Cách mạng công nghiệp 4.0 tại một số quốc gia ASEAN: Cơ hội và thách thức (Phần cuối)

0
273
Ảnh minh họa

2. Cơ hội cho ASEAN trong CMCN 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là cách mạng về công nghệ mà còn là cách mạng về phát hiện nhu cầu để tạo lợi thế phát triển. Cuộc CMCN 4.0 tác động tới tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội ở tất cả các quốc gia trên thế giới, máy móc tự động hóa đang thay thế dần sức lao động của con người trên toàn cầu. CMCN 4.0 đem lại cho ASEAN nhiều cơ hội, đó là:

Thứ nhất, cách mạng công nghiệp 4.0 giúp các công ty tăng năng suất, hiệu quả lao động, loại bỏ lãng phí và chi phí thấp hơn, do đó lợi nhuận sẽ tăng:

Cuộc CMCN 4.0 giúp tiết kiệm sức lao động thông qua công nghệ, nghĩa là các nước có lợi thế về công nghệ và vốn sẽ quay lại đầu tư vào quốc gia của mình chứ không phải đầu tư sang các nước có lợi thế về nguồn lao động. CMCN 4.0 đưa hoạt động sản xuất lên cấp độ mới, giúp tăng năng suất, hiệu quả lao động đồng thời giảm chi phí cho các công ty. Với hệ thống thanh toán online và trên di động đã tiết kiệm cho hệ thống tài chính phải xây dựng các văn phòng chi nhánh; công nghệ pin lưu trữ điện và năng lượng tái tạo phát triển sẽ giúp người dân tự sản xuất và sử dụng điện, tiết kiệm phần nào chi phí đầu tư cho hệ thống lưới điện về vùng sâu, vùng xa.

Khi nguồn lực con người được thay thế bằng máy móc và công nghệ sẽ giảm được nhiều chi phí hoạt động và sản xuất, cũng như làm giảm giá thành sản phẩm. Robot có thể làm được khối lượng công việc của nhiều người cộng lại và làm việc với công suất cao. Robot cũng mắc ít sai lầm hơn, giảm thiểu tổn thất trong quá trình sản xuất. Mức chi phí duy trì, bảo trì máy móc chắc chắn nhỏ hơn các khoản phí bảo hiểm lao động, tiền thưởng hoặc tiền bồi dưỡng lao động.

Trong ngành y, cách mạng công nghệ 4.0 giúp chẩn đoán bệnh từ xa với chi phí thấp, không mất thời gian xếp hàng và giảm chi phí cho mỗi lần khám. Cách mạng 4.0 sẽ giúp ngành y tế tạo lập chuỗi giá trị, chăm sóc sức khỏe con người từ tất cả các khía cạnh liên quan như thói quen sinh hoạt, ăn uống, tập luyện, bổ sung các chất thiết yếu, phòng bệnh, chữa bệnh… một cách đơn giản, chuẩn xác và ít tốn kém nhất.

Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm hơn 90% số doanh nghiệp trên toàn ASEAN, có thể mở rộng quy mô, tiếp cận thị trường tài chính với chi phí thấp, thời gian ngắn. CMCN 4.0 giúp giải quyết bất bình đẳng giữa thành thị và nông thôn trong lĩnh vực giáo dục: tiếp cận thông tin nhờ các công nghệ kết nối mới, các khóa học online… Một số nước ASEAN đang thể hiện lợi thế về khả năng thiết kế và gia công các phần mềm có chi phí thấp, trong đó có các phần mềm trong lĩnh vực logistics và thương mại điện tử.

Tuy nhiên, với việc Trung Quốc đưa ra kế hoạch, “Made in China 2025”, nếu ASEAN không có kế hoạch ứng phó sẽ khiến các trung tâm sản xuất quay trở lại Trung Quốc, khi đó cơ hội và lợi ích sẽ được chuyển tới quốc gia láng giềng Trung Quốc.

Thứ hai, CMCN 4.0 giúp thay đổi, cải tạo môi trường làm việc, tăng sức khỏe người lao động: Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 6-88% mỗi năm, áp lực lên môi trường cũng tăng tương tự. Việc ứng dụng công nghệ mới có thể điều chỉnh các hoạt động đánh bắt thủy sản, nông lâm nghiệp một cách hiệu quả, tránh tối đa việc lạm dụng môi trường. ASEAN có thể sử dụng công nghệ số hóa và công nghệ internet để cải thiện việc sử dụng năng lượng và tài nguyên, giảm ô nhiễm và tăng năng suất tổng thể khu vực.

Máy móc thay thế con người làm việc trong các điều kiện bất lợi như nhiệt độ cao, địa hình hiểm trở, dọn dẹp các khu hóa chất độc hại, những nơi nhiễm phóng xạ – những công việc độc hại, nguy hiểm. Từ đó, sẽ giúp nâng cao sức khỏe của con người.

Nhờ hệ thống làm việc, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… khiến môi trường làm việc được cải thiện, đỡ nhàm chán, từ đó sẽ có nhiều hoạt động sáng tạo hơn, nhiều ý tưởng sáng kiến hiệu quả hơn. Với sự giúp sức của công nghệ, các công việc sẽ được hoàn thành nhanh chóng và thuận lợi.

Các công ty, doanh nghiệp có thể ứng dụng các công nghệ số hiện đại để cải thiện hiệu suất làm việc và quản lý. Những công nghệ về dịch chuyển thông minh được biết đến với tên gọi như hệ thống giao thông thông minh (ITS – lntelligent Transport System). Hệ thống ITS đồng nghĩa với một hệ thống giao thông an toàn hơn, thuận tiện hơn và giảm tác động đến môi trường. Hệ thống ITS giúp từng cá nhân đưa ra quyết định và tư vấn các phương án dịch chuyển tối ưu nhất trong đô thị đông đúc. Với nền tảng công nghệ số hóa xuất hiện trong cuộc CMCN4.0, mọi cá nhân trong đô thị có thể tham gia vào mạng lưới giao thông công cộng, nâng cao tính cơ động, giảm nhu cầu sử dụng phương tiện vận tải cá nhân. Do đó, giảm phát thải khí thải ra môi trường.

Thứ ba, cách mạng công nghiệp 4.0 giảm áp lực tới hệ thống hạ tầng cơ sở giao thông: Trong lĩnh vực giao thông, kinh tế chia sẻ và xe không người lái sẽ tăng mức độ an toàn của việc điều khiển phương tiện trên đường và giảm bớt áp lực quá tải lên cơ sở hạ tầng giao thông của ASEAN. Theo đánh giá của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Philippines sẽ mất khoảng, hơn 100 triệu USD mỗi ngày vào năm 2030 nếu tình trạng giao thông vẫn như hiện nay và đây là vấn đề chung của toàn khu vực ASEAN.

Việc nâng cấp chất lượng sản xuất nông nghiệp và thực phẩm cũng như giảm thời gian ùn tắc giao thông có ý nghĩa rất quan trọng đối với ASEAN. Ví dụ: Go-Jek, một ứng dụng điện thoại di động, với hơn 250.000 lái xe ở Indonesia, đã giúp giảm thời gian ùn tắc giao thông, đem lại sự tiện lợi cho cư dân ở các thành phố có mật độ giao thông dày đặc như ở Jakarta.

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), nếu ASEAN biết tận dụng những công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0 thì sau năm 2030, khu vực ASEAN sẽ tạo ra thêm 220 – 625 tỷ USD mỗi năm. Những công nghệ như IoT (internet vạn vật – internet of things), (dữ liệu lớn – big data), (trí tuệ nhân tạo – artificial intelligence), (chuỗi khối – blockchain), (máy bay không người lái – drone), (năng lượng tái tạo – recycled energy)… về lâu dài sẽ tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả trongviệc phát triển cơ sở hạ tầng của các nước trong khu vực.

Thứ tư, cách mạng công nghiệp 4.0 giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Do chi phí sản xuất giảm nên giá thành sản phẩm cũng sẽ giảm. Trong bối cảnh giá cả leo thang từng ngày thì việc giảm giá sản phẩm được xem là lợi ích vô giá, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho mỗi người dân.

Hơn nữa, nhờ vào hệ thống sản xuất công nghệ cao và chính xác, chất lượng hàng hóa sẽ được đảm bảo. Thậm chí nhờ vào công nghệ in 3D, các sản phẩm được sản xuất theo đúng mẫu mà, hình thức và chất lượng. Thậm chí, có nhiều sản phẩm độc đáo sẽ trở thành hiện thực.

Nhờ có internet kết nối vạn vật (IoT) sử dụng nền tảng khoa học – công nghệ, sử dụng phần mềm để kết nối tất cả mọi thứ trong cuộc sống giúp mỗi người sử dụng các dịch vụ hàng ngày theo cách mới, tốt hơn và tiện lợi hơn, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

3. Thách thức của ASEAN trong CMCN 4.0

Sự chuyển đổi toàn cầu sang tự động hóa đang diễn ra sẽ tạo ra những thách thức to hơn đối với các nước ASEAN.

Thứ nhất, CMCN 4 có thể dẫn đến gia tăng thất nghiệp: Mặt trái của GMCN 4.0 là có thể phá vỡ nhiều ngành công nghiệp ở mọi quốc gia, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới, có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải… Trong một số lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot (người máy), số lượng nhân viên cần thiết sẽ chỉ còn 1/10 so với hiện nay. Như vậy, 9/10 nhân lực còn lại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp. Tại Thái Lan, riêng trong ngành sản xuất ô tô, hơn 60% lao động được trả lương và 53% lao động đang đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa. Tại Việt Nam, 75% lao động trong ngành điện tử và 86% trong ngành dệt may, da giày cũng trong tình trạng đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa.

Số lượng lớn việc làm ở ASEAN sẽ biến mất. Lao động trong các lĩnh vực khách sạn và nhà hàng, bán lẻ, xây dựng, chế biến, chế tạo ở các nước ASEAN-5 sẽ đối mặt với rủi ro cao bị thay thế bởi tự động hóa và robot. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam, Indonesia vàCampuchia đang chứng kiến số lượng lao động cao nhất bị đe dọa bởi tự động hóa. Trong ngành sản xuất ô tô, ASEAN là nhà sản xuất ô tô lớn thứ 7 thế giới với hơn 800.000 lao động được sử dụng, trong đó phần lớn là những lao động kỹ năng thấp, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tự động hóa.

Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động có thể rơi vào cảnh thất nghiệp. Giai đoạn đầu tiên sẽ là thách thức với những lao động văn phòng, trí thức, lao động kỹ thuật. Giai đoạn tiếp theo sẽ là lao động giá rẻ, do đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi.

CMCN 4.0 không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả các lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị kiến thức mới, chủ yếu là kỹ năng sáng tạo. Về nguy cơ mất việc làm, theo ILO, hơn 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng khoa học-công nghệ trong ngành. Khoảng 86% lao động của Việt Nam, 88% lao động của Campuchia và 64% lao động của Indonesia trong ngành may mặc, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tự động hóa, công nghiệp hóa. Ngoài nguy cơ bị mất việc làm tại chỗ do máy móc thay thế, người lao động còn phải đối mặt với nguy cơ bị mất việc làm do công việc bị chuyển về nước có thị trường nơi mà CMCN 4.0 đã làm giảm chi phí lao động tại thị trường đó.

Theo đánh giá của ILO, khoảng 56% lực lượng lao động (2017) tại các nước như Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Philippines và Việt Nam có nguy cơ bị thay thế bởi công nghệ và máy móc trong những thập kỷ tới.

Việt Nam được cho là có tỷ lệ lao động bị máy móc đào thải trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cao nhất ASEAN do bản chất ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện không có hiệu suất cao, lao động sử dụng không thông qua đào tạo chuyên sâu, chủ yếu lao động lắp ráp, chế biến giản đơn ở những công đoạn có thể dùng máy móc thay thế. Dự đoán sẽ có 74% trong tổng số lao động ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam có mức độ rủi ro cao, bị thay thế do tự động hóa. Con số này cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, trong đó như Philippines (54%), Thái Lan (58%) và Indonesia (67%).

Do chi phí sản xuất giảm xuống, hàng hóa trở nên rẻ hơn; nhiều người bị mất việc làm vì sản xuất được tự động hóa một cách triệt để; nhiều ngành truyền thống sẽ thất thu do thay đổi về phương thức và công cụ sản xuất; vấn đề việc làm và lao động sẽ được phân công lại trong xã hội.

Thứ hai, cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn đến những bất ổn về chính trị – xã hội. Một trong hệ lụy lớn nhất của cách mạng công nghiệp 4.0 chính là những bất ổn chính trị. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ triệt tiêu lao động giản đơn, nhất là người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và thủ công. Điều này sẽ tạo ra thất nghiệp, bất ổn xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, hàng triệu người mất việc sẽ dẫn đến mất niềm tin vào cuộc sống. Nếu chính phủ các nước ASEAN không có biện pháp giải quyết kịp thời sẽ có thể dẫn đến bạo loạn hoặc đụng độ vũ lực. Bên cạnh đó, nếu chính phủ không nắm bắt được tình hình, thay đổi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mình trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, có thể dẫn đến sự bất công. Các doanh nghiệp không thể phát triển được và dễ dẫn đến phá sản. Từ đó, giảm nguồn lực kinh tế, tụt hậu và nghèo nàn.

Những bất ổn về kinh tế nảy sinh từ CMCN 4.0 sẽ dẫn đến những bất ổn về đời sổng an ninh – chính trị. Nếu chính phủ các nước không nhận thức rõ và chuẩn bị đầy đủ cho làn sóng công nghiệp 4.0, nguy cơ xảy ra bất ổn trên toàn cầu là hoàn toàn có thể. Bên cạnh đó, những thay đổi về cách thức giao tiếp trên internet cũng đặt con người vào nhiều nguy hiểm về tài chính, sức khỏe. Thông tin cá nhân nếu không được bảo vệ sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

CMCN 4.0 đem lại lợi ích kinh tế nhiều nhất cho những người phát minh, nhà đầu tư chứ không phải là người lao động thông thường, dẫn đến gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Thực tiễn cho thấy, ở nhiều nước phát triển, thu nhập thực tế của giới chủ, của lao động có chuyên môn cao liên tục tăng, trong khi đó, thu nhập thực tế của công nhân lao động có trình độ và kỹ năng thấp thì lại giảm. Khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, nguy cơ gia tăng bất ổn xã hội càng lớn.

Thứ ba, thách thức về thể chế quốc gia. Môi trường thể chế là điều kiện cho sự phát triển CMCN 4.0. Vai trò nhà nước phải xây dựng được môi trường thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhiều quy định, quy tắc cần được thiết lập để đạt được sự tương đồng quốc tế.

Do thay đổi lợi thế truyền thống, nên các nước đang phát triển sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong gia tăng đầu tư cho tăng trưởng, bởi sự đảo ngược dòng vốn. Trước đây, vốn đổ đến nơi có ưu thế về lao động giá rẻ và giàu tài nguyên, song giờ đây sáng tạo và trí tuệ nhân tạo mới là cơ sở cho phát triển trong CMCN 4.0, nên dòng vốn sẽ chuyển đến các nước phát triển có các trung tâm R&D phát triển hơn. Do đó, các nước đi sau nếu không xây dựng được thể chế, chiến lược hợp lý trong kỷ nguyên 4.0, sẽ rơi vào tình trạng thoái hóa công nghiệp sớm.

Do gia tăng các trí tuệ nhân tạo đặt ra nhu cầu đổi mới hệ thống giáo dục, đào tạo cũng như đầu tư cho đào tạo nhân lực chất lượng cao. Rõ ràng đây là thách thức đối với các nước đang phát triển.

Thứ tư, thách thức về an toàn an ninh mạng, nguy cơ bị tin tặc (hacker) can thiệp vào hệ thống sản xuất điều hành.

CMCN 4.0 sử dụng công nghệ để kết nối vạn vật. Đây chính là điểm yếu dễ bị khai thác. Các hacker có thể tấn công vào phần mềm, mạng lưới quản lý để can thiệp vào hệ thống sản xuất, thậm chí điều khiển cả hệ thống công ty, doanh nghiệp. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin đặt ra nhu cầu phải bảo đảm an ninh mạng. Trong đó, các thông tin cá nhân sẽ ngày càng có giá trị, trở thành mục tiêu cho bọn tin tặc, hacker tấn công để chiếm lấy các dữ liệu. Vì thế, trong kỷ nguyên CMCN 4.0, vấn đề an toàn an ninh mạng vô cùng quan trọng.

Nếu như an ninh mạng không được bảo đảm sẽ ảnh hưởng đến hệ thống sản xuất không chỉ của một doanh nghiệp, một quốc gia mà đó là nguy cơ đe dọa sự ổn định của nền sản xuất toàn cầu. Do vậy, đầu tư cho bảo đảm an ninh mạng sẽ tăng cả về nguồn lực tài chính cũng như nguồn lực con người.

Thách thức về an toàn an ninh mạng là một trong những vấn đề khó khăn nhất trong cuộc CMCN 4.0 mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Mức độ và quy mô tấn công sẽ mạnh mẽ hơn. Với sự bùng nổ của các thiết bị kết nối internet vạn vật, không chỉ đơn thuần là máy tính mà bất cứ thiết bị nào cũng có thế trở thành mục tiêu tấn công. Trong đó, tấn công dai dẳng và có chủ đích (APT – Advanced Persistent Threat) sẽ gia tăng, mà nạn nhân đầu tiên sẽ là các nhân viên trong công ty, vốn kiến thức và nhận thức về an ninh mạng còn thấp. Trong khi đó nhận thức về an toàn thông tin của người dùng, của nhân viên các doanh nghiệp và thậm chí của nhiều lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp về an toàn bảo mật vẫn chưa cao.

Việt Nam đang hướng tới cuộc CMCN 4.0 nhưng mức độ an toàn thông tin của Việt Nam và các doanh nghiệp thấp, nhiều tổ chức doanh nghiệp chưa có nhận thức và đầu tư tương xứng cho vấn đề an toàn thông tin. Năm 2017, chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu của Việt Nam đứng thứ 101, giảm 25 bậc so với năm 2016 và thấp hơn rất nhiều nước trong khu vực như Singapore (số 1), Malaysia (số 3), Thái Lan (số 20), Lào (số 77). Tuy nhiên, nếu khắc phục được những điểm yếu, CMCN lần thứ 4 có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 8 – 18 tỷ USD mỗi năm.

Tóm lại, CMCN 4.0 đă giúp chuyển trọng tâm của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) từ việc tạo ra một thị trường và cơ sở sản xuất đơn nhất dựa trên sự tự do lưu thông của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có kỹ năng thành một thị trường và cơ sở dịch vụ, điện tử với trọng tâm là dòng chảy tự do của thông tin và dữ liệu. Nhờ đó mở ra nhiều cơ hội cho các nước đang phát triển Đông Nam Á để nâng cao năng suất và rút ngắn khoảng cách phát triển. Mặc dù, trong khu vực ASEAN, các nước Singapore và Thái Lan đã chính thức ban hành kế hoạch cụ thể trong tiếp cận CMCN 4.0. Tuy nhiên, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thì ASEAN cần sự hợp tác chặt chẽ hơn của tất cả các nước trong khu vực chứ không phải là giải pháp cục bộ của từng quốc gia. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết nội khối, trên cơ sở nền tảng kinh tế số sẽ giúp ASEAN tận dụng hiệu quả cơ hội từ cuộc CMCN 4.0.

Một quốc gia có thể phát triển nhanh và tạo nên sự “thần kỳ” nhờ vào hai động lực: Hội nhập quốc tế và nắm bắt CMCN 4.0,Thông qua hội nhập khu vực, các thành viên ASEAN có thế chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau để giải quyết những thách thức đang hạn chế sự phát triển. Nếu ASEAN tập trung hơn nữa vào hỗ trợ hệ sinh thái cho nền kinh tế số, đồng thời thu hút nhân tài thông qua hợp tác, các quốc gia ASEAN sẽ được hưởng lợi trọn vẹn từ CMCN 4.0./.

Phạm Thị Thanh Bình và Lê Thị Thu Hương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here