Các ưu tiên cho nền kinh tế thời kỳ COVID-19

0
92
(polyestertime)
(polyestertime)

Để đối phó với đại dịch Covid-19, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều phải đóng cửa. Trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng dịch bệnh, hầu hết mọi người đều dự đoán nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng theo mô hình chữ V, với giả định rằng nền kinh tế chỉ cần một khoảng thời gian ngắn để quay trở lại. Đây là một ý tưởng hấp dẫn, nhưng tại thời điểm này, sự phục hồi theo mô hình chữ V có lẽ chỉ là sự ảo tưởng. Nền kinh tế hậu đại dịch có khả năng sẽ thiếu sức sống, không chỉ ở các quốc gia thất bại trong việc quản lý đại dịch (cụ thể là Mỹ), mà ngay cả ở những nước đã vượt qua nó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán rằng, đến cuối năm 2021 mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ chỉ bằng hoặc hơn một chút so với thời điểm cuối năm 2019, trong đó các nền kinh tế Mỹ và châu Âu vẫn sẽ sụt giảm khoảng 4%.

Triển vọng kinh tế hiện tại có thể được xem xét trên hai cấp độ. Về mặt vĩ mô,  tiêu dùng xã hội sẽ giảm do các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ phải cân đối chi tiêu; làn sóng các công ty phá sản sẽ hủy hoại nhiều nguồn lực của xã hội; xuất hiện thái độ phòng vệ mạnh mẽ do sự không chắc chắn về diễn biến của đại dịch và chính sách đối phó của chính quyền. Về mặt vi mô, vi-rút corona là một thách thức đối với các hoạt động liên quan đến sự tiếp xúc gần giữa con người; do đó nó sẽ tiếp tục thúc đẩy những thay đổi lớn trong mô hình tiêu thụ và sản xuất, từ đó đưa đến một sự chuyển đổi cơ cấu rộng lớn hơn.

Lý thuyết và thực tiễn kinh tế cho thấy thị trường nói riêng không đủ khả năng quản lý quá trình chuyển đổi như vậy, đặc biệt là xem xét mức độ biến đổi đột ngột của nó. Không dễ dàng để chuyển đổi nhân viên hàng không thành kỹ thuật viên của Zoom. Và ngay cả khi có thể, các lĩnh vực đang được mở rộng sẽ cần ít nhân công và nhiều kĩ năng hơn so với các ngành nghề đang được thay thế.

Chúng ta cũng biết rằng, các biến đổi cơ cấu kinh tế rộng lớn có xu hướng tạo ra một vấn đề gọi là “hiệu ứng thu nhập và thay thế”. Các lĩnh vực, ngành nghề đòi hỏi ít tiếp xúc của con người được mở rộng sẽ làm gia tăng chi phí đầu tư, và hệ quả đưa đến là sự tụt giảm về thu nhập và gia tăng bất bình đẳng. So với những người có thu nhập cao, những người có thu nhập thấp thường phải dành phần lớn chi tiêu cho hàng hóa tiêu dùng thiết yếu; do đó họ sẽ trở nên nghèo hơn và sự bất bình đẳng xã hội giữa người giàu và người nghèo càng gia tăng.

Trong khi chính sách tiền tệ có thể giúp một số công ty giải quyết các hạn chế thanh khoản tạm thời như đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng 2008-2009 thì nó không thể khắc phục các vấn đề về khả năng thanh toán các khoản nợ, cũng như không thể kích thích nền kinh tế khi lãi suất đã gần bằng không. Hơn nữa, tại Hoa Kỳ và một số quốc gia khác, sự phản đối của phe bảo thủ đối với các khoản thâm hụt và mức nợ tăng cao sẽ cản trở các biện pháp kích thích tài khóa cần thiết. Chắc chắn những người này đã rất hài lòng khi cắt giảm thuế cho các tỷ phú và tập đoàn vào năm 2017, cứu trợ Phố Wall vào năm 2008 và giúp đỡ những tập đoàn khổng lồ trong năm 2020. Nhưng đó là một chuyện khác để tăng bảo hiểm thất nghiệp, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ thêm cho những người dễ bị tổn thương nhất.

 Các ưu tiên trong ngắn hạn đã thể hiện rõ ràng ngay từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu. Tình trạng y tế khẩn cấp phải được giải quyết (chẳng hạn như bằng cách đảm bảo cung cấp đầy đủ thiết bị bảo hộ cá nhân và năng lực của các cơ sở y tế), bởi vì nền kinh tế không thể phục hồi cho tới khi COVID-19 được kiểm soát. Đồng thời, các chính sách nhằm bảo vệ những người đang cần sự giúp đỡ nhất, cung cấp thanh khoản để ngăn chặn các vụ phá sản không cần thiết và duy trì sự liên kết giữa người lao động và công ty của họ trở nên cần thiết để đảm bảo cho một sự khởi động lại nhanh chóng khi gặp thời điểm.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lựa chọn khó khăn. Chúng ta không nên cứu các công ty đã trên đà sụt giảm trước cuộc khủng hoảng; làm như vậy chỉ đơn thuần là tạo ra những “thây ma”, hạn chế sự năng động và tăng trưởng. Chúng ta cũng không nên cứu các công ty đã ngập sâu trong nợ nần để có khả năng chống chịu các cú sốc. Quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ thị trường trái phiếu rác với chương trình mua sắm tài sản của họ gần như là một sai lầm.

Chi tiêu công được định hướng tốt, đặc biệt là đầu tư vào chuyển đổi xanh, có thể sẽ là chi tiêu kịp thời, mang tính kích thích cao và tăng nhu cầu sử dụng lao động (giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp đang tăng vọt). Không có một lý do về kinh tế nào giải thích cho việc tại sao các quốc gia, bao gồm cả Mỹ, không thể theo đuổi chương trình phục hồi lớn và bền vững.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here