Các FTA thế hệ mới thúc đẩy Việt Nam hội nhập sâu rộng

0
51

Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 17/10, tại Hà Nội, ông Konaka Tetsuo – Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam nhận định, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019, cùng với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) đã được ký kết vào tháng 6/2019 sẽ thúc đẩy Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Sang năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN và là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đóng góp tích cực thúc đẩy hòa bình, an ninh, phát triển và tiến bộ trên thế giới. “Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần phát huy vai trò tiên phong trong các vấn đề mang tính toàn cầu như: Biến đổi khí hậu, Bảo hiểm y tế toàn cầu (UHC), Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)” – Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam nhấn mạnh.

cac fta the he moi thuc day viet nam hoi nhap sau rong

Đề cập đến tình hình thực diện các dự án ODA tại Việt Nam, ông Konaka Tetsuo nhận định, mặc dù nhiều dự án ODA mới về hợp tác kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại do JICA thực hiện đã được ký kết và đang triển khai thuận lợi, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết như: một số dự án vốn vay ODA đã được ký kết từ năm 2018 vẫn chưa thể thực hiện; vấn đề chậm thanh toán trong các dự án đang triển khai… Đây không chỉ là khó khăn đối với JICA và ODA Nhật Bản, mà là vấn đề chung của tất cả các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ song phương khác.

Được biết, tháng 6/2019, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chủ trì cuộc họp Ủy ban Chỉ đạo ODA (ODA Steering Committee) để tập trung làm rõ các vấn đề trong thực hiện các dự án ODA. Bên cạnh đó, có nhiều động thái tích cực được kỳ vọng sẽ mang lại những chuyển biến mới, ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án ODA tại Việt Nam như: tỷ lệ nợ công so với GDP của Việt Nam đã giảm đáng kể; Chính phủ bắt đầu quan tâm đến cải thiện hiệu suất trong chi tiêu công, sửa đổi các quy định liên quan đến ODA….

Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ thúc đẩy việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội (SEDS) đến năm 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (SEDP) đến năm 2025. JICA cũng sẽ chú trọng đến Dự án hỗ trợ các chiến lược dài hạn đó, trong đó phải kể đến các thành tích như: trong nửa đầu năm 2019, JICA đã ký Biên bản hợp tác với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (VASS); ký Biên bản hợp tác ba bên với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và UBND tỉnh Nghệ An…

Thông qua các hợp tác này, JICA sẽ hỗ trợ xây dựng kế hoạch ở cấp trung ương và địa phương, đồng thời tìm kiếm cơ hội xây dựng những dự án phù hợp.

Cùng với những chuyển biến mạnh mẽ trong cục diện chính trị, kinh tế thế giới và bối cảnh Việt Nam tăng trưởng vượt trội, hỗ trợ ODA cũng cần phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Nổi bật là JICA đã và đang thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ mới như: Hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) trong “Chương trình chia sẻ kiến thức phát triển mô hình chăm sóc người cao tuổi”; tổ chức Hội thảo đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức Hợp tác công – tư (PPP), Hỗ trợ xây dựng chính phủ điện tử và củng cố an ninh mạng…

“JICA sẽ tiếp tục thực hiện các dự án hợp tác phát triển nhằm giải quyết các vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi khu vực và quốc tế, theo chiến lược “Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do” và chính sách “Cơ sở hạ tầng chất lượng cao” của Chính phủ Nhật Bản” – ông Konaka Tetsuo nhấn mạnh./.

(congthuong.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here