Các đánh giá khác nhau về thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc sau 6 tháng thực hiện

0
77
(Getty Images)
(Getty Images)

Dự kiến trong tuần này, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến sẽ họp lại để đánh giá 06 tháng thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 có hiệu lực từ 14/2/2020.

Ngày 11/8/2020, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc (USCBC) đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp thành viên và các doanh nghiệp có những đánh giá khác nhau về thỏa thuận. Các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Trung Quốc phần lớn ủng hộ thỏa thuận vì giúp mang lại sự ổn định trong một mối quan hệ đầy biến động. Nhưng nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi liệu thỏa thuận có đáng để sử dụng các mức thuế cao và tính khả thi của cơ chế giải quyết tranh chấp mới.

Theo USCBC, 88% người được hỏi có quan điểm “tích cực” hoặc “hơi tích cực” về thỏa thuận giai đoạn một. Một nửa số người được hỏi nhìn nhận thỏa thuận này như một nhân tố giúp ổn định mối quan hệ song phương hơn là giải quyết vấn đề thương mại. Trong khi đó, rất ít công ty tin rằng lợi nhuận thu được từ thỏa thuận tương ứng với chi phí phải chịu do việc áp thuế cao. Chỉ 7% số người được hỏi cho rằng lợi ích của thỏa thuận lớn hơn chi phí thuế quan phát sinh, trong khi 36% nói rằng chi phí lớn hơn lợi nhuận gia tăng từ thỏa thuận.

Chủ tịch USCBC Craig Allen cho biết nhìn chung các công ty hài lòng vì cả hai chính phủ đã chấp nhận những thách thức trong việc thực hiện thỏa thuận giai đoạn một. Tuy nhiên, USCBC “hơi lo lắng” trước tốc độ mua hàng hiện tại của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với tiến độ, để có thể đáp ứng các yêu cầu của thỏa thuận.

Trong năm 2020, Trung Quốc đã đồng ý mua thêm 76,7 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ so với năm 2017. Theo dữ liệu mới nhất, Bắc Kinh vẫn chưa đạt được các mục tiêu đó. Ông Allen cho biết Trung Quốc chỉ mua 19,4% hàng hóa nông nghiệp cần thiết để đạt được mục tiêu, con số này ở hàng chế tạo là 28,6% và năng lượng là 11%. Ông cho biết chưa có dữ liệu về thương mại dịch vụ, nhưng do corona virus, tỷ lệ thương mại du lịch và dịch vụ dự kiến cũng sẽ giảm.

Cuộc khảo sát cho thấy cơ chế giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận cũng chưa phù hợp; các công ty lo ngại việc sử dụng cơ chế này có thể dẫn đến sự trả đũa từ chính phủ Trung Quốc. Nhiều công ty đang thận trọng về việc sử dụng cơ chế này, chỉ 16% hy vọng sẽ làm như vậy nếu có các tranh chấp phát sinh. 39% công ty nói rằng họ “không chắc” hoặc “rất khó” sử dụng cơ chế này. 45% còn lại cho biết không chắc liệu có sử dụng hay không.

Sự bất chắc của chuỗi cung ứng tiếp tục là một vấn đề đối với các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc. Gần một nửa số doanh nghiệp được hỏi (48%) cho rằng doanh số bán hàng bị giảm do khách hàng không chắc chắn về nguồn cung. 46% cho biết đã phải thay đổi về nhà cung cấp hoặc tìm nguồn cung ứng mới. Các cuộc trao đổi với các công ty thành viên của USCBC cho thấy khách hàng Trung Quốc ngày càng lo ngại về khả năng tiếp cận lâu dài với các sản phẩm của Mỹ và các chính sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Ngoài ra, các chính sách cưỡng bức chuyển giao công nghệ của Trung Quốc vẫn là mối quan tâm lớn đối với các công ty. Luật Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, có hiệu lực vào đầu năm nay, đã cấm chuyển giao công nghệ cưỡng bức; thỏa thuận giai đoạn một cũng nhấn mạnh vấn đề này. Tuy nhiên, cuộc khảo sát cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn không rõ điều này sẽ được thực thi như thế nào.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here