Các chính sách kinh tế của chính quyền Trump và tác động đối với Việt Nam

0
82

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu thực hiện các lời hứa với cử tri, cụ thể hóa các quan điểm chính sách trong chiến dịch tranh cử của mình. Các chính sách kinh tế mới của Tổng thống mới đắc cử Mỹ không chỉ ảnh hưởng lớn tới trật tự thế giới và các nền kinh tế lớn có quan hệ kinh tế – chính trị – thương mại chặt chẽ với Mỹ, mà còn tác động tới các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam.  

 

Tổng thống Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ khi chủ nghĩa dân tuý, xu hướng chống toàn cầu hoá dâng cao tại Mỹ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đến cách thức vận hành của nền kinh tế, theo hướn tinh giản hơn. Trong bối cảnh đó, dù kinh tế Mỹ tăng trưởng và phục hồi sau khủng hoảng tốt hơn các nước phát triển khác, khi lợi ích của toàn cầu hoá không được phân bổ đồng đều, nhiều người vẫn bày tỏ thất vọng trước kinh tế Mỹ. Các chỉ trích cho rằng tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức thất vọng: tăng trưởng thấp hơn 2% so với tiềm năng, bất bình đẳng thu nhập và việc làm ở mức của năm 1929, năm khởi phát đại khủng hoảng, năng suất kém và có chiều hướng giảm. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp (4,7%) song khoảng 1/3 lao động làm việc bán thời gian và mức lương thực tế không tăng hoặc thậm chí giảm; tỉ lệ tham gia thị trường lao động giảm khoảng 4 điểm phần trăm; khoảng 43 triệu người Mỹ hiện sống dưới mức nghèo khổ và dựa vào trợ cấp lương thực. Trong bối cảnh đó, các chính sách kinh tế của Trump được xây dựng nhằm đạt các mục tiêu: giành lại việc làm cho người Mỹ và giảm thâm hụt cán cân thương mại. Các chính sách này gây tác động không chỉ đến thương mại và kinh tế toàn cầu mà còn ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.

Tăng thuế biên giới[1]

Ngày 26/1, Nhà Trắng cho biết đang soạn thảo gói cải cách thuế toàn diện, trong đó có kiến nghị áp 20% thuế biên giới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và các nước khác để tăng ngân sách và giảm thâm hụt thương mại[2]. Kiến nghị này,

nếu được thực hiện, là điều đáng lo ngại với thương mại toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Đối với thương mại toàn cầu, việc tăng mức biên giới được các chuyên gia cho là một hành vi bảo hộ vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẵn sàng rút khỏi WTO nếu các nước sử dụng quy định của WTO để đe dọa việc thực thi chính sách này. Tuyên bố này đồng thời với các phát biểu chỉ trích WTO của Mỹ tại các diễn đàn đa phương gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống luật lệ thương mại toàn cầu cũng như triển vọng của tự do thương mại với cuộc chiến áp thuế trả đũa của các nước khác.

Đối với Việt Nam, với khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Việt Nam dự báo là nước chịu thiệt hại thứ hai sau Mexico. Theo nghiên cứu của của ngân hàng đầu tư Deustch Bank, khoản thuế 20% này sẽ gây thiệt hại 7% GDP của Mexico và gần 5% GDP đối với Việt Nam[3].

Giảm cam kết thương mại đa phương

Chỉ hai ngày sau khi nhậm chức, Trump đã ký sắc lệnh rút khỏi TPP. Thiếu Mỹ, tương lai của TPP trở nên mù mịt. Không chỉ TPP, Trump còn chủ trương đàm phán lại các Hiệp định thương mại tự do khác như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp định thuế quan với Liên minh châu Âu và các FTA khác. Ông cho rằng Mỹ chịu thiệt từ các hiệp định đa phương hơn là song phương vì khi mở rộng các hiệp định đa phương ra các nước kém phát triển sẽ làm các nước phát triển mất nhà máy, việc làm trong khi phải tiếp nhận lao động nhập cư. Hơn nữa, theo Trump, các FTA hoạt động không hiệu quả khi 267 FTA trên toàn thế giới được đánh giá như một bát mỳ hỗn hợp thiếu sự phối hợp[4].

Các chuyên gia cho rằng Mỹ rút khỏi TPP sẽ để lại khoảng trống ảnh hưởng đối với thương mại đa phương và toàn cầu cho Trung Quốc, nước đang tích cực thúc đẩy các sáng kiến đa phương như RCEP, Một vành đai, một con đường và Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á.

Đối với Việt Nam, TPP được kỳ vọng là cú hích giúp tăng khả năng tiếp cận thị trường của các nước trong TPP, đặc biệt là Mỹ khi Trung Quốc, Thái Lan… vốn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam tại các thị trường này không phải là thành viên của TPP. Mặc dù Việt Nam vẫn tiếp tục cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kể cả không có TPP song lợi thế cạnh tranh nếu TPP có hiệu lực không còn nữa.

 

Lôi kéo các nhà đầu tư để tạo việc làm

Trong chiến dịch “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Tổng thống Trump chủ trương lôi kéo các nhà đầu tư Mỹ quay trở lại đầu tư trong nước thông qua chính sách giảm thuế (củ cà rốt) và trừng phạt các công ty rút khỏi Mỹ (cây gậy) nhằm giữ lại việc làm cho Mỹ. Về thuế, Tổng thống Donald Trump hứa hẹn đảm bảo không có doanh nghiệp nào của Mỹ phải trả quá 15% lợi nhuận cho thuế, so với mức trần hiện nay là 35%. Ngoài ra, Trump đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu đối với các công ty dự kiến chuyển nhà máy từ Mỹ sang các nước khác để giảm chi phí. Tháng 2/2017, trước hứa hẹn một gói giảm thuế 7 triệu USD, công ty Carrier đã giữ lại nhà máy luyện kim mà công ty dự kiến sẽ chuyển đến Monterry, Mexico, nơi có mức lương trung bình 11 USD/ngày (so với 30 USD/ngày tại Indianapolis) để tiết kiệm khoảng 65 triệu USD/năm[5].

Việc Trump áp dụng nhiều công cụ và biện pháp để lôi kéo các nhà đầu tư Mỹ quay trở lại thị trường trong nước tác động đối với chuỗi sản xuất toàn cầu và khả năng thu hút FDI của các nước khác. Thứ nhất, chính sách này có thể làm xáo trộn sự phân công lao động quốc tế. Trong chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay, các khâu giá trị thấp (lắp ráp, gia công) chủ yếu nằm ở các nước đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc, các khâu giá trị cao (ứng dụng công nghệ, sử dụng ít lao động) do các nước phương Tây, trong đó có Mỹ nắm vai trò chủ đạo. Chính sách thu hút các công ty Mỹ của Trump giữ lại khâu sản xuất, lắp ráp để tạo thêm việc làm (chủ yếu là lao động phổ thông) đồng thời với chủ trương đầu tư vào các khâu tạo giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu của Trung Quốc về lâu dài sẽ làm thay đổi chuỗi sản xuất toàn cầu và chiến lược đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia. Thứ hai, chính sách của Trump biến Mỹ trở thành thị trường FDI cạnh tranh đặc biệt đối với công ty Mỹ, làm giảm khả năng thu hút FDI của các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Cứng rắn với Trung Quốc

Với vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng kim ngạch xuất khẩu, năm 2015 chiếm 14% thị trường thế giới, vượt Mỹ (9%) và chiếm 70% nhập siêu của Mỹ (261 tỷ USD). Quan hệ thương mại hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc đã được nhiều đời tổng thống Mỹ, từ Bill Clinton, G. Bush, B. Obama quan tâm và gây sức ép nhưng không đạt được kết quả như mong muốn.Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã gọi Trung Quốc là “bên thao túng tỷ giá hối đoái”, “cưỡng bức Mỹ”, trợ cấp hàng hóa, ăn cắp công nghệ và cướp việc làm của công dân Mỹ. Tổng thống Donald Trump dọa áp đặt thuế 45% với hàng Trung Quốc và tuyên bố sẽ cứng rắn với Trung Quốc để làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Sự cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc dự báo sẽ làm giảm khả năng đồng thuận của các nước nước, đặc biệt trong Liên hợp quốc và G20 trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Kích thích kinh tế

Trước lời hứa của Trump về giảm thuế, tăng chi tiêu chính phủ cho cơ sở hạ tầng, và nới lỏng các quy chế giám sát, trong đó có quy định Dodd-Frank[6], nhiều chuyên gia mong đợi, tất cả những chính sách này, nếu được thực thi, sẽ thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát, theo đó buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải tăng lãi suất. Ngày 3/2, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh xem xét và thay đổi các quy định Dodd-Frank nhằm nới lỏng các quy định ngân hàng, giảm chi phí cho vay và từ đó giúp đẩy giá cổ phiếu ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ ngành tài chính.

Việc nới lỏng điều kiện cho vay gây e ngại có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính mới, thậm chí với quy mô lớn hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. Trong khi đó, khả năng tăng lãi suất và đồng đô-la Mỹ tăng giá sẽ làm tăng áp lực đối với chính sách tỷ giá và nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam khi đồng USD chiếm tỉ trọng tương đối cao trong các giao dịch ngoại hối và vay nợ của ta. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ vay USD/tổng nợ nước ngoài tính đến 31/12/2015 của Việt Nam là khoảng 44%.

 

Trước các tác động đó, Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ các động thái chính sách của Mỹ, nghiên cứu tác động và đề ra chính sách phù hợp đối với vấn đề tỷ giá, thu hút đầu tư, thương mại trong khi quyết tâm thực hiện cải cách kinh tế./.

[1] Thuế nhập khẩu là một dạng thuế giá trị gia tăng áp lên hàng hoá nhập khẩu được tiêu dùng trong nước, còn được gọi là thuế tại chỗ hay thuế biên giới.

[2] Ông Donald Trump muốn áp 20% thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Mexico. Đài tiếng nói Việt Nam. Ngày 27/1/2017. Link truy cập: http://vov.vn/thegioi/ong-donald-trump-muon-ap-20-thue-len-hang-hoa-nhap-khau-tu-mexico-589314.vov.

[3] Doanh nghiệp Việt ứng phó với chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ. Trung tâm tin tức VTV24. Ngày 10/2/20017. http://vtv.vn/kinh-te/doanh-nghiep-viet-ung-pho-voi-chinh-sach-bao-ho-mau-dich-cua-my-20170210105354903.htm.

[4] Theo Giáo sư Jagdish Bhagwati, Đại học Columbia năm 1995.

[5] Trump dọa trừng phạt công ty Mỹ đưa việc làm ra nước ngoài. Ngọc Trang (theo Wall Street Journal). Ngày 2/12/2016. Link truy cập: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/quoc-te/2016-12-02/trump-doa-trung-phat-cong-ty-my-dua-viec-lam-ra-nuoc-ngoai-38582.aspx.

[6] Dodd-Frank là quy định về tài chính mà Chính quyền Obama đưa ra sau khủng hoảng tài chính 2007-2008. Đạo luật Dodd-Frank được đề ra năm 2010 nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng tài chính do việc ngân hàng cho vay quá dễ dàng. Quy định này tăng yêu cầu về vốn của các ngân hàng, hạn chế việc kinh doanh theo quy luật “Volcker” và thành lập Cục Bảo vệ Tài chính Tiêu dùng để chống cho vay cắt cổ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here