Các biện pháp kinh tế của EU và Pháp đối với tình hình kinh tế do dịch Covid-19 gây ra

0
61
(Smart Water Magazine)
(Smart Water Magazine)

Khác với khủng hoảng năm 2008, cuộc khủng hoảng lần này ảnh hưởng đến nền kinh tế: hàng loạt doanh nghiệp, lớn và nhỏ, đều bị ảnh hưởng. Đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu, tất cả các quốc gia đều bị ảnh hưởng và virus không có biên giới. Các chuỗi sản xuất đan xen và tất cả các nước đều phụ thuộc vào nhau. Bởi tăng trưởng hôm qua là toàn cầu, thì khủng hoảng kinh tế ngày mai cũng sẽ là toàn cầu. Rốt cuộc, khủng hoảng này sẽ kéo dài và nó đang tấn công mạnh vào Châu Âu, sau Trung Quốc và trước Hoa Kỳ. Phục hồi kinh tế ở Châu Âu và thế giới vì thế sẽ cần nhiều thời gian, khó khăn và tốn kém. Sẽ không có phép màu, mà sẽ chỉ có những nỗ lực để khắc phục: (i) nỗ lực kinh tế tài trợ cho sự phục hồi này; (ii) nỗ lực đoàn kết, đặc biệt là giữa các quốc gia Châu Âu; (iii) nỗ lực sáng tạo để xây dựng thế giới sau khủng hoảng.

Các biện pháp của EU

Đối mặt với cuộc khủng hoảng này, EU có một trách nhiệm lớn mang tính quyết định. Hoặc là Châu Âu tìm lại được gốc rễ chính trị của mình và tăng cường sức mạnh, hoặc Châu Âu chịu lùi bước trước sự hoảng loạn và ích kỷ quốc gia và EU sẽ biến mất. Gốc rễ chính trị của Châu Âu, đó là sự đoàn kết, là an ninh chung, là phẩm giá của con người, đặc biệt là khi đối mặt với dịch bệnh. Đó là những gốc rễ mà chúng ta phải tìm được, dù rằng chúng ta là người Italia, người Tây Ban Nha…, chúng ta đều là người Châu Âu.

Về kinh tế và tài chính, EU đã đưa ra các quyết định đúng đắn: (i) kích hoạt điều khoản cho phép không thực hiện các quy tắc của Hiệp ước Tăng trưởng và Ổn định; (ii) Ngân hàng Trung ương Châu Âu bơm 750 tỷ euro; (iii) dỡ bỏ các ràng buộc về việc Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp.

Bây giờ, EU cần phải tiến xa hơn để hỗ trợ kinh tế các quốc gia thành viên. Tất cả các đối tác Châu Âu đang tích cực bàn thảo và sự hợp tác Pháp-Đức trong lĩnh vực kinh tế và tài chính đang diễn ra hàng ngày và rất triển vọng.

EU phải sử dụng các công cụ chống khủng hoảng hiện có. Thứ nhất, cần kích hoạt Cơ chế Châu Âu về Ổn định, với các điều kiện nhẹ nhàng, không kỳ thị bất kỳ quốc gia nào, cần phải đạt được thỏa thuận về vấn đề này tại cuộc họp ngày 7/4 tới. Thứ hai, cần tạo ra nguồn tài chính mới từ Ngân hàng Đầu tư Châu Âu lên tới 200 tỷ euro. Thứ ba, cần tạo ra một cơ chế bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 100 tỷ euro như Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã đề xuất. Ba công cụ này có thể xác định khuôn khổ chung của Châu Âu để đối phó ngay lập tức với khủng hoảng.

Ngoài khuôn khổ chung này, EU cần suy tính về các công cụ cần thiết khác để vực dậy nền kinh tế sau khủng hoảng. Châu Âu cần sự đoàn kết. Đoàn kết, đó là những phương tiện tài chính ngang tầm với những thách thức kinh tế. Đoàn kết, là có khả năng thống nhất sức mạnh của các nước EU để đối mặt với hậu quả của cuộc khủng hoảng y tế.

Lúc này, EU nên tránh các cuộc tranh luận mang tính ý thức hệ về trái phiếu Châu Âu (eurobonds) hoặc trái phiếu corona (coronabonds). Vấn đề duy nhất là quyết tâm chính trị. EU sẽ đoàn kết thành một khối thống nhất để đối mặt với những hậu quả to lớn và lâu dài của cuộc khủng hoảng kinh tế, hay EU sẽ cho thế giới hình ảnh buồn của một lục địa bị chia cắt giữa Bắc và Nam?

Pháp cho rằng EU cần phải sát cánh cùng nhau. Đây là lý do tại sao Pháp đã đề xuất tạo ra một Quỹ Châu Âu tạm thời và đặc biệt để hỗ trợ tất cả các nước Châu Âu phục hồi kính tế một cách có phối hợp bài bản. Mục tiêu chiến lược của Quỹ này là điều phối các biện pháp kinh tế cần thiết để vực dậy nền kinh tế Châu Âu sau khủng hoảng y tế qua đi.

Quỹ này, có thể do Ủy ban Châu Âu điều hành và quản lý, sẽ phát hành trái phiếu với nhiều bảo lãnh chung cho tất cả các quốc gia thành viên, tài trợ cho các chương trình nhằm củng cố các hệ thống y tế và phục hồi các nền kinh tế. Các chương trình này sẽ phù hợp với Thỏa thuận xanh và chiến lược công nghiệp mà Ủy ban đã quy định chi tiết vào ngày 10/3 và đặc biệt nhằm góp phần đưa các chuỗi giá trị chiến lược trở lại Châu Âu. Các quốc gia có thể được hưởng lợi từ Quỹ tùy thuộc vào hậu quả kinh tế của cuộc khủng hoảng y tế đối với nền kinh tế của họ. Quỹ sẽ có thời hạn từ 5 đến 10 năm.

Không nên có sự nhầm lẫn nào giữa đề xuất lập Quỹ trên đây với các cuộc đàm phán ngân sách hiện tại, vì Quỹ này không thuộc khuôn khổ tài chính đa niên của EU. Trái phiếu chung do Quỹ này phát hành có thể được hoàn trả trong dài hạn nhờ vào một nguồn lực đặc biệt như thuế đoàn kết hoặc đóng góp từ các quốc gia thành viên.

Cuối cùng, EU phải suy nghĩ lại về mô hình kinh tế của mình với mục tiêu chiến lược mà Tổng thống Pháp đã nêu ra, đó là chủ quyền kinh tế. Điều này sẽ khiến các nước thành viên EU cùng suy nghĩ sắp xếp lại các chuỗi giá trị của EU, các khoản đầu tư cần thiết trong lĩnh vực y tế và việc bảo vệ biên giới EU.

Không nên sợ hãi khi sử dụng từ “bảo vệ”. Bảo vệ không phải là chủ nghĩa bảo hộ, mà là sự bảo vệ chính đáng cho lợi ích kinh tế sống còn của EU. Thực ra những ý tưởng này đã được ra từ hai năm nay. Từ lâu các nước EU đã kêu gọi điều chỉnh chính sách công nghiệp, sửa đổi chính sách cạnh tranh, sự độc lập của nền công nghiệp trong các lĩnh vực chiến lược, như ắc-quy điện hoặc trí tuệ nhân tạo.

Với cuộc khủng hoảng này, EU có một cơ hội lịch sử để rồi cuối cùng EU sẽ trở thành một cường quốc kinh tế và chính trị, ở giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. EU phải nắm bắt cơ hội này.

Trong tất cả các cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, các quốc gia yếu nhất luôn là người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm ngăn thảm kịch diễn ra ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở Châu Phi. Pháp ủng hộ ý tưởng về Quyền rút vốn đặc biệt của IMF (DTS) lên tới 500 tỷ USD, ủng hộ có một dòng tín dụng mới, nhanh để bổ sung cho dòng hoán đổi của các ngân hàng trung ương để hỗ trợ các quốc gia có nhu cầu lớn nhất. Cuối cùng, Pháp ủng hộ chính sách tạm ngưng các khoản nợ cho các nước nghèo nhất trong những tháng tới đây. Câu lạc bộ Paris nên đi tiên phong trong sáng kiến ​​này.

EU có đủ khả năng đối phó với khủng hoảng. Các nền kinh tế của EU vững chắc. Nền công nghiệp của EU mạnh. Công nghệ Pháp và châu Âu đang ở đỉnh cao của sự tiến bộ. Nếu EU tập hợp được sức mạnh, EU sẽ chiến thắng.

Chính sách kinh tế của Pháp

Đối mặt với cuộc khủng hoảng này, Pháp đã hành động nhanh chóng và mạnh mẽ. Kể từ ngày 06/3, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp đã đề xuất một kế hoạch Kinh tế khẩn cấp dựa trên ba trụ cột: (i) hỗ trợ cho nhân viên (khoảng 4 triệu người lao động) qua việc lập cơ chế thất nghiệp bộ phận lên tới 4,5 mức lương tối thiểu, được cho là hào phóng nhất ở Châu Âu; (ii) hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp bằng quyết định hoãn tất cả các khoản chi phí xã hội và thuế cho tất cả các công ty có nhu cầu, thành lập Quỹ đoàn kết (hiện đã có 300 000 doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ), bảo lãnh Nhà nước đối với các khoản vay tín dụng mới (hiện đã có 40.000 công ty đã sử dụng với tổng số tiền là 7 tỷ euro và trung bình 135.000 euro/công ty); (iii) Bảo vệ các doanh nghiệp chiến lược bằng việc tăng vốn, tái cấp vốn hoặc cuối cùng có thể phải quốc hữu hóa không để các doanh nghiệp chiến lược này phá sản.

Pháp kiên quyết giữ và thực thi chính sách kinh tế hài hòa và minh bạch, không chuyển sang nền kinh tế tập trung. Nếu có quốc hữu hóa, thì cũng chỉ là tạm thời. Nhà nước không có chức năng chỉ đạo nền kinh tế, nhưng có trách nhiệm bảo vệ các viên ngọc công nghiệp của mình trong hoàn cảnh đặc biệt, với các biện pháp đặc biệt.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here