Bốn hồ sơ ưu tiên của Giám đốc điều hành mới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)

0
72
(Getty)
(Getty)

Ngày 12/9/2019, báo Les Echos, Pháp có bài nhận định Bà K.Georgieva – Giám đốc điều hành mới của IMF thay thế bà C.Lagarde rời chức vụ vào ngày 12/9, sẽ phải ưu tiên giải quyết 04 hồ sơ nóng sau đây:

Thứ nhất, chấm dứt cuộc khủng hoảng Argentina.

Mặc dù đã được IMF cấp cho khoản vay 57 tỷ đô la – lớn nhất trong lịch sử cho vay của Quỹ, nhưng nền kinh tế của Argentina vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi; lạm phát lên tới 54,4% trong 12 tháng qua, mức cao nhất trên thế giới; tiêu dùng giảm, nhiều doanh nghiệp bị đóng cửa; tỷ lệ người nghèo (32% năm 2018) và thất nghiệp (10,1% năm 2019) đều tăng. Nợ nước ngoài của Argentina đã tăng từ 52,6% GDP năm 2015 lên 88,5% vào năm 2019. Vấn đề sẽ còn trở lên phức tạp gấp bội một khi ứng cử viên dân túy Alberto Fernández – người ít có thiện cảm đối với IMF- có thể sẽ nắm quyền lãnh đạo đất nước thay thế Maurico Macri, người đã từng đàm phán với IMF về kế hoạch trợ giúp tài chính. Ngay từ tháng 6/2019, bà C.Lagarde đã thừa nhận IMF đã “đánh giá thấp” tình hình “cực kỳ phức tạp” ở Argentina. Giải quyết khủng hoảng hiện nay ở Argentina được coi là hồ sơ nóng nhất hiện nay đối với Giám đốc điều hành mới của IMF.

Thứ hai, duy trì các nguồn lực của IMF

Hiện tại, nguồn lực tài chính của IMF lên tới khoảng 1,4 nghìn tỷ đô la và được phân chia thành ba loại. Loại thứ nhất (668 tỷ USD) bao gồm các nguồn tài chính thường xuyên của các quốc gia thành viên đóng góp theo hạn ngạch. Nguồn kinh phí này được nhân đôi vào tháng 1 năm 2016 theo chỉ đạo của Giám đốc điều hành C. Lagarde trong lần thứ 14 đánh giá lại về hạn ngạch (việc này đã được bỏ phiếu năm 2010, và có hiệu lực vào năm 2016). Loại thứ hai (250 tỷ USD) bao gồm các thỏa thuận cho vay mới. Đây là những khoản tín dụng mà một số quốc gia sẵn sàng cung cấp cho IMF trong trường hợp khủng hoảng lớn (sẽ hết hạn vào năm 2022). Loại thứ ba (440 tỷ USD) bao gồm các khoản tín dụng song phương từ một số quốc gia được cấp sau khủng hoảng tài chính năm 2008 để tăng khả năng can thiệp của IMF khi cần thiết. Đó là những khoản vay (sẽ đáo hạn vào cuối năm tới) mà bà K. Georgieva sẽ phải gia hạn, đồng thời cũng phải đánh giá lại lần thứ 15 về hạn ngạch, theo công thức tính hạn ngạch mới phù hợp với trọng lượng của các quốc gia đóng góp vốn tư bản cho IMF và tương xứng với tầm quan trọng ngày một cao lên của các nước mới nổi. Ý tưởng mà IMF bấy lâu nay đã bỏ qua và chỉ duy trì sự đồng thuận về nguồn lực của Quỹ ở mức đủ để bảo đảm hoạt động. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cho rằng không thấy được lợi ích của việc tăng thêm nguồn lực tài chính cho Quỹ.

Thứ ba, giám sát Ucraina và Pakistan

Ngân hàng trung ương Ucraina cho rằng nước này cần một khoản vay mới từ 5 tỷ đến 10 tỷ USD. Năm 2014, để đối phó với khủng hoảng tài chính, Ucraina đã nhận được khoản trợ giúp trị giá 40 tỷ USD của phương Tây (trong đó 17,5 tỷ USD từ IMF). Nhưng các khoản cho vay này chỉ được cung cấp từng phần nhỏ giọt do Ucraina gặp nhiều khó khăn khi áp dụng một số biện pháp thắt chặt tài chính hoặc chống tham nhũng cần thiết để đáp ứng yêu cầu của IMF. Hiện cuộc thảo luận về một khoản vay mới đang được tiến hành. Về Pakistan, IMF đã cho vay (lần thứ 13 kể từ năm 1980) một khoản trị giá 6 tỷ USD vào đầu mùa hè, nhưng nền kinh tế vẫn chưa ổn định. Mặc dù đây là hồ sơ ít quan trọng, song cũng là một tình huống có nhiều bấp bênh đối với Giám đốc điều hành mới của IMF.

Thứ tư, tránh sự sụp đổ của nền kinh tế toàn cầu

Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có nguy cơ làm trật bánh tăng trưởng toàn cầu. IMF đã giảm dự báo xuống còn 3,2% trong năm nay so với 3,6% trong năm 2018. Bà C. Lagarde đã liên tục cảnh báo các cường quốc, đặc biệt là Hoa Kỳ, về những rủi ro của tranh chấp thương mại quy mô lớn. Trước sự suy thoái kinh tế, bà cũng đã thúc giục các ngân hàng trung ương duy trì sự hỗ trợ và một số quốc gia, đặc biệt là Đức, tăng chi tiêu ngân sách để thúc đẩy hoạt động. IMF sẽ tổ chức cuộc họp thường niên vào giữa tháng 10 tới và sẽ đưa ra các dự báo mới về tăng trưởng kinh tế thế giới và khả năng sẽ là ảm đạm. Cuộc họp này sẽ là cơ hội để bà Giám đốc điều hành mới K.Georgieva đưa ra những khuyến nghị đầu tiên của mình.

(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here