Bộ trưởng các nước OPEC và đối tác ngoài OPEC quan tâm đến một thị trường ổn định

0
75

Hôm 23/6, OPEC đã đồng ý với Nga và các đồng minh sản xuất dầu khác tăng sản lượng từ tháng Bảy. Ả-rập Xê-út cam kết tăng nguồn cung ở mức “có thể đo lường” nhưng không đưa ra con số cụ thể. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ đã công bố một thỏa thuận về sản lượng sản xuất giữa các thành viên thuộc OPEC vào hôm thứ Sáu, nhưng cũng không có mục tiêu đầu ra rõ ràng. Giá Dầu Brent tăng 2,5USD tương đương 3,4% trong ngày lên 75,55USD/thùng.

Các nhà sản xuất dầu ngoài OPEC đã đồng ý tham gia thỏa thuận nhưng thông cáo sau khi diễn ra các cuộc đàm phán với nhóm OPEC không đưa ra những con số cụ thể do những bất đồng sâu sắc giữa hai đối thủ trong OPEC là Ả-rập Xê-út và Iran. Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã kêu gọi các nhà sản xuất dầu nới lỏng thêm nguồn cung để ngăn chặn thâm hụt dầu có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong tuyên bố của mình, các nước trong và ngoài OPEC cho biết sẽ tăng nguồn cung bằng cách quay trở lại tuân thủ 100% sản lượng cam kết cắt giảm đã đồng ý trước đó, sau nhiều tháng sản xuất thiếu. Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út Khalid Al-Falih cho biết các nước trong và ngoài OPEC sẽ bơm thêm khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày trong những tháng tới, tương đương 1% nguồn cung toàn cầu.

Nước xuất khẩu hàng đầu thế giới Ả-rập Xê-út sẽ tăng sản lượng thêm hàng trăm nghìn thùng, con số chính xác sẽ được quyết định sau. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết nước này sẽ tăng thêm 200.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm nay. Iran, nhà sản xuất lớn thứ ba của OPEC, đã yêu cầu OPEC từ chối các lời kêu gọi từ Trump về việc tăng nguồn cung dầu mỏ, cho rằng chính Tổng thống Trump đã đóng góp vào việc tăng giá gần đây bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran và thành viên Venezuela. Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới vào Tehran trong tháng 5 và các nhà quan sát thị trường dự đoán sản lượng của Iran sẽ giảm 1/3 vào cuối năm 2018. Điều đó có nghĩa là Iran ít có lợi từ thỏa thuận tăng sản lượng, không giống như Ả-rập Xê-út.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh cho biết mức tăng thực tế có thể lên tới 500.000 thùng/ngày vì Ả-Rập Xê-út sẽ không được phép bơm nhiều hơn thay cho Venezuela, nơi sản lượng đã sụt giảm mạnh trong những tháng gần đây. “Mỗi quốc gia đang sản xuất ít hơn so với phân bổ có thể sản xuất nhiều hơn. Điều này có nghĩa Ả-rập Xê-út có thể tăng sản lượng lên dưới mức 100.000 thùng/ngày”. Nhưng Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út cho biết việc phân bổ lại hạn ngạch theo tỷ lệ không phải là nghiêm ngặt, có nghĩa là Ả-rập Xê-út muốn lấp đầy những khoảng trống còn lại bởi những người khác. “Một số nước sẽ không thể sản xuất được, vì vậy những nước khác sẽ làm. Và điều đó ngụ ý sẽ có gián tiếp một sự tái phân bổ”.

Ông này cũng cho biết OPEC có thể tổ chức một cuộc họp bất thường trước các cuộc đàm phán chính thức tiếp theo vào ngày 3/12 hoặc điều chỉnh việc giao hàng vào tháng 9, khi Ủy ban giám sát của họ nhóm họp, nếu nguồn cung dầu toàn cầu giảm sâu hơn do lệnh trừng phạt Iran. OPEC và các đồng minh kể từ năm ngoái đã tham gia vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày. Biện pháp này đã giúp tái cân bằng thị trường trong 18 tháng qua và nâng giá dầu lên khoảng 75USD/thùng từ mức thấp nhất 27 USD/thùng trong năm 2016. Nhưng tình trạng ngừng hoạt động bất ngờ ở Venezuela, Libya và Angola đã làm giảm đáng kể nguồn cung khoảng 2,8 triệu thùng/ngày trong những tháng gần đây.

Bộ trưởng Falih đã cảnh báo rằng thế giới có thể phải đối mặt với thâm hụt nguồn cung lên đến 1,8 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2018. Một đại biểu của OPEC cho biết “Cả Ả-rập Xê-út và Iran đều có thể cho thấy rằng họ đã thắng. Zanganeh có thể quay trở lại đất nước của mình và nói “Tôi thắng”, bởi vì chúng tôi đang giữ nguyên bản thỏa thuận gốc. Falih có thể quay về và nói rằng “chúng ta sẽ có thể nâng cao sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường”.

Bộ trưởng dầu mỏ Kuwait Bakheet Al-Rasheedi khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của thỏa thuận mà các Bộ trưởng dầu mỏ của OPEC đã đạt được trong hội nghị lần thứ 174 của OPEC vừa qua, quy định tái cam kết cắt giảm sản lượng dầu thô xuống 100%, có nghĩa là tuân thủ tuyên bố hợp tác, cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày trước đó. Hơn nữa, quyết định này cũng khẳng định vai trò của OPEC trong việc đảm bảo nguồn cung cấp cho thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Khi được hỏi liệu thỏa thuận này có đảm bảo cân bằng giữa cung và cầu, Bộ trưởng Rasheedi cho biết thỏa thuận đã giải quyết nhiều vấn đề, như duy trì hành động chung trong OPEC và củng cố vai trò của mình để đáp ứng nhu cầu thị trường. Bộ trưởng nói, việc bơm khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày cho thị trường dầu sẽ làm giảm bớt sự lo lắng nguồn cung và đảm bảo sự ổn định của thị trường. Thỏa thuận này có hiệu lực vào tháng 7/2018, sẽ tiếp tục được theo dõi để nâng sản lượng hàng ngày lên khoảng 1 triệu thùng, Ủy ban bộ trưởng và Ủy ban kỹ thuật sẽ trực tiếp giám sát việc thực hiện thỏa thuận.

Bộ trưởng Năng lượng An-giê-ri Mustapha Guitouni nói kết quả đạt được của cuộc họp là rất khả quan, phản ánh sự ổn định của OPEC, đang đi đúng hướng và có thể thông qua đàm phán rộng rãi giữa các bộ trưởng, đạt được sự cân bằng giữa cung và cầu và tăng sản lượng lên 1 triệu thùng/ngày”. Bộ trưởng năng lượng OPEC đồng ý An-giê-ri sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo vào tháng 9/2018, nhằm đánh giá thỏa thuận về tăng sản lượng và khả năng phù hợp giữa thị trường dầu mỏ toàn cầu và tình hình thực tế.

(ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI CÔ-OÉT) – Kuwait Times ngày 24/6/2018

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here