Ngày 7/12, Hội Điều Bình Phước làm việc với Hiệp hội các nhà xuất khẩu hạt điều Cộng hòa Bờ Biển Ngà về đảm bảo hiệu quả thương mại của ngành điều.
Đến dự buổi làm việc có đại diện Văn phòng lãnh sự Danh dự Cộng hòa Bờ Biển Ngà tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội các nhà xuất khẩu hạt điều Cộng hòa Bờ Biển Ngà cùng với Hội đồng Bông và Điều, Tổ chức Quốc tế Hạt Điều, đại diện các nhà xuất khẩu điều Bờ Biển Ngà và nhiều doanh nghiệp là hội viên Hội Điều Bình Phước.
Về chế biến, Bình Phước dẫn đầu cả nước về số lượng cơ sở chế biến hạt điều với hơn 1.400 cơ sở quy mô nhỏ và vừa, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50.000 lao động địa phương.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu điều ở Bờ Biển Ngà N’guettia Assouman cho biết, Cộng hòa Bờ Biển Ngà có sản lượng điều mỗi năm đạt 1,2 triệu tấn thô. Chế biến tại nội địa trên 400.000 tấn, xuất khẩu 800.000 tấn. Sản xuất hạt điều thô xuất khẩu hàng đầu thế giới, đứng thứ hai về sản xuất điều nhân. Hiệp hội các nhà xuất khẩu hạt điều Cộng hòa Bờ Biển Ngà có 192 thành viên.
Tại buổi làm việc, ông N’guettia Assouman mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Bình Phước nói riêng và Việt Nam nói chung; mong muốn thống nhất có hợp đồng mẫu để bảo vệ đôi bên ký kết cùng có lợi. Hiệp hội các nhà xuất khẩu điều ở Bờ Biển Ngà cam kết bảo vệ người mua từ phía Việt Nam và ngược lại Việt Nam bảo vệ đối tác của Bờ Biển Ngà. Bên cạnh đó, ông N’guettia Assouman mong muốn xây dựng lòng tin, tuân thủ hợp đồng, hạn chế các rủi ro, gian lận; đồng thời, chia sẻ, trao đổi thông tin với đối tác Việt Nam thường xuyên hơn trong thời gian tới. Khi đã tạo niềm tin đoàn kết thì phương châm là đôi bên cùng thắng.Bà Nguyễn Thị Mỵ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hà Mỵ chia sẻ, trong thời gian qua, có một số nhà xuất khẩu trộn hạt điều, dẫn đến doanh nghiệp sản xuất khó khăn, giá chào hàng chênh lệch, chất lượng giảm….
Chủ tịch Hội Điều Bình Phước Vũ Thái Sơn nhấn mạnh, buổi làm việc với Hiệp hội các nhà xuất khẩu hạt điều Cộng hòa Bờ Biển Ngà nhằm đảm bảo hiệu quả thương mại của ngành điều. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, các nhà xuất khẩu trao đổi thông tin, tìm hiểu để hợp tác lâu dài.
Thời gian tới, tỉnh Bình Phước có kế hoạch hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đàm phán, hợp tác thương mại với các nước trồng điều để có nguồn nguyên liệu nhập khẩu ổn định đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu rủi ro về giá cả và chất lượng đầu vào nguyên liệu.
Tỉnh Bình Phước hiện là thủ phủ điều của cả nước với diện tích trồng trên 150.000 ha. Sản lượng ước tính gần 200.000 tấn, đáp ứng nhu cầu chế biến với công suất từ 20-30%, còn lại chủ yếu là nhập khẩu. Trong năm 2022, sản lượng xuất khẩu ước đạt 171.000 tấn, giảm 16,75% so với cùng kỳ năm 2021, sản lượng nhập khẩu đạt 750.000 tấn, giảm 27,37% so với cùng kỳ năm 2021.
Diện tích trồng điều của tỉnh Bình Phước tập trung chủ yếu tại vùng chuyên canh lớn thuộc các huyện: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Đồng Phú.
Theo Nation Master, Bờ Biển Ngà hiện nay là nhà cung cấp hạt điều lớn nhất thế giới, dẫn đầu sản lượng với gần 800.000 tấn trong năm 2022. Theo sau là Ấn Độ, Burundi và Việt Nam. Về sản lượng của Việt Nam, trong năm 2022, tổng diện tích điều cả nước duy trì ổn định 305.000 ha. Năng suất bình quân đạt 1,25 tấn/ha, sản lượng điều thô (hạt khô) ước đạt 370.000 tấn.
Với sản lượng điều chỉ đáp ứng khoảng 30% nguyên liệu cho nhu cầu chế biến từ các doanh nghiệp, do đó Việt Nam vẫn phải tăng cường nhập khẩu điều từ các quốc gia khác như Campuchia, Bờ Biển Ngà, Ghana và Indonesia,…
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là nhà xuất khẩu điều đứng đầu thế giới. Cụ thể trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều đạt 334.870 tấn, mang về hơn 1,94 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu trung bình trong 7 tháng đầu năm đạt 5.805 USD/tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Từ năm 2006, với kim ngạch đạt 520 triệu USD, Việt Nam chính thức là quốc gia xuất khẩu điều số 1 thế giới.
Năm 2023, Hiệp hội Điều việt Nam (Vinacas) đặt mục tiêu xuất khẩu hạt điều đạt 3,1 tỷ USD, tăng nhẹ 30 triệu USD so với năm 2022.