Bình Dương: tiến tới ban hành chính sách mới hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường khỏi đô thị (Tháng 7)

0
47
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Bình Dương là một trong những tỉnh, thành phố phát triển mạnh về công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, việc phát triển cơ sở công nghiệp trước đây chưa chú trọng về quy hoạch ngành nghề, địa điểm đầu tư đã dẫn đến tình trạng các cơ sở sản xuất nằm đan xen trong các khu dân cư, đô thị gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Theo số liệu thống kê, riêng khu vực phía Nam của tỉnh hiện có khoảng 1.400 cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp. Cụ thể, thành phố Thủ Dầu Một: 125 cơ sở, thị xã Dĩ An: 329 cơ sở, thị xã Thuận An: 381 cơ sở, thị xã Bến Cát: 218 cơ sở, thị xã Tân Uyên: 347 cơ sở; trong đó có khoảng 50% cơ sở sản xuất nằm tiếp giáp với các khu đô thị. Việc tồn tại các cơ sở sản xuất tiếp giáp với khu dân cư, đô thị gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, quỹ đất cho quy hoạch khu dân cư, đô thị và dịch vụ ở địa phương của tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp đa số là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, công nghệ lạc hậu, mặc dù có đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhưng phần lớn hiệu quả xử lý chưa cao, từ đó làm phát sinh nhiều tranh chấp, phản ánh, khiếu kiện phức tạp về môi trường giữa cơ sở sản xuất và cộng đồng dân cư rất khó giải quyết, nhất là những địa phương phát triển công nghiệp sớm của tỉnh như thị xã Dĩ An, Thuận An…

UBND tỉnh đã kiến nghị HĐND tỉnh xây dựng Nghị quyết về “Chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương” nhằm cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất; từng bước di dời các cơ sở sản xuất có ngành nghề hạn chế đầu tư có nguy cơ ô nhiễm cao; giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất nằm trong vùng dân cư, đô thị không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị tại địa phương, của tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất mở rộng quy mô, ổn định và phát triển sản xuất. Chính sách hỗ trợ di dời sẽ tập trung vào 02 nhóm đối tượng: Nhóm thứ nhất là hỗ trợ một lần đối với cơ sở tự chấm dứt hoạt động sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề hoạt động tại địa điểm cũ. Cụ thể, các cơ sở thuộc đối tượng di dời, nhưng tự chấm dứt hoạt động sẽ được hỗ trợ một lần, để giải quyết những khó khăn sau khi chấm dứt hoạt động. Nhóm thứ hai là hỗ trợ đối với cơ sở di dời vào trong khu, cụm công nghiệp và ngoài khu, cụm công nghiệp. Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền thuê đất tại địa điểm mới; hỗ trợ cho việc tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt nhà xưởng, thiết bị;  hỗ trợ tiền thuê nhà xưởng tại địa điểm mới trong khu, cụm công nghiệp; … Các cơ sở được phép di dời đến địa điểm mới thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương nhưng không nằm trong các khu, cụm công nghiệp không được hưởng chính sách hỗ trợ về giá thuê lại đất nhưng được hỗ trợ giảm tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất theo quy định hiện hành./.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here