Bảy điểm sáng của nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm

0
57
(Đức Thanh)
(Đức Thanh)

Những điểm sáng quan trọng

Khi “làn sóng” Covid-19 thứ 3 nổ ra ngay trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nỗi lo nền kinh tế sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng lại dấy lên. Song dường như, những tác động của làn sóng này tới nền kinh tế Việt Nam đã không quá lớn như lo ngại. Cũng là nhờ sự vào cuộc hiệu quả, quyết liệt và kịp thời của các ngành, các cấp trong phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh.

Bởi thế, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 02/3/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra tới 7 điểm sáng của nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm.

Điểm sáng đầu tiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đó là kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định. Tháng 2/2021, do là tháng Tết, số ngày làm việc ít hơn, lại cộng thêm với những ảnh hưởng của Covid-19, nên sản xuất công nghiệp đã giảm tới 7,2% so với cùng kỳ. Nhưng nếu tính chung, thì Chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) vẫn tăng 7,4% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 6,2% của 2 tháng đầu năm ngoái.

“Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm tăng 5,49%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ tăng 5,4% – PV); không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá bất hợp lý đối với hàng hóa phục vụ Tết, nhất là sản phẩm nông, lâm, thủy sản”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Không chỉ vậy, điểm sáng của nền kinh tế còn được thể hiện ở việc thị trường tiền tệ, tín dụng trước, trong và sau Tết Nguyên đán tương đối ổn định. Tương tự, mặc dù tháng 2/2021 trùng với thời điểm Tết Nguyên đán, song tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn cho thấy một số chuyển biến tích cực.

Cụ thể, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng đạt trên 8.000 doanh nghiệp, cao hơn so với mức trung bình khoảng 7.300 doanh nghiệp trong các tháng Tết giai đoạn 2016 – 2020. Tháng 2/2021 cũng ghi nhận hơn 4.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi chỉ có gần 7.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, giảm 19,8% so với cùng kỳ.

“Điều này phản ánh niềm tin và kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phục hồi của nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Các điểm sáng khác được Bộ trưởng chỉ ra, đó là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt kết quả ấn tượng, xuất siêu 1,29 tỷ USD.

Trên thực tế, xuất nhập khẩu – bất chấp Covid-19 – vẫn luôn là điểm sáng của nền kinh tế. Những kết quả mà Việt Nam đạt được trong thương mại hàng hóa thậm chí luôn được các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế đánh giá cao, gọi là cú “lội ngược dòng” so với thế giới.

Báo cáo Chính phủ khi đánh giá bổ sung tình hình kinh tế – xã hội năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, không phải chỉ có 8, mà có tới 10/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, có thêm 2 chỉ tiêu đạt và vượt, một trong số đó là tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 7% (con số báo cáo cuối năm 2020 là khoảng 1%).

Hai tháng đầu năm nay, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu còn lớn hơn thế: ước đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu tăng tới 23,2% – một kết quả tích cực trong “thời Covid-19”.

Ngoài các điểm sáng này, trong báo cáo trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhấn mạnh việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tiếp tục được thúc đẩy, với con số ước giải ngân tính đến hết tháng 2/2021 là 23.480 tỷ đồng, đạt 5,09% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Một điểm sáng khác, đó là đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi số tiếp tục có chuyển biến tích cực. Đây được coi là một động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Trong khi đó, điều quan trọng là, cân đối ngân sách Trung ương và địa phương được đảm bảo. Số liệu cho thấy, thu ngân sách nhà nước 2 tháng qua đạt 21,3% dự toán, tăng 0,6%, trong khi tổng chi đạt 12,3% dự toán, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2020. Chi ngân sách nhà nước, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã đáp ứng được các nhiệm vụ cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách đón Tết cổ truyền.

Vẫn thắc thỏm nỗi lo vì Covid-19

Kinh tế 2 tháng đầu năm vẫn diễn biến tích cực. Mặc dù vậy, trên thực tế, các yếu tố bất định, rủi ro vẫn hiện hữu. Rủi ro lớn nhất, bất định lớn nhất, đó chính là dịch bệnh Covid-19 ngày càng khó đoán.

Tuy nhiên, ở góc độ lạc quan, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Viện trưởng Viện Công nghệ tài chính (Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) khi trao đổi với báo giới đã đánh giá cao năng lực chống dịch của Chính phủ Việt Nam, bao gồm cả việc điều hành nền kinh tế.

“Nếu như trước đây, chúng ta phong tỏa cả nền kinh tế, thì bây giờ, Chính phủ phong tỏa cục bộ, chủ yếu phong tỏa những điểm có dịch và làm quyết liệt chỗ đó”, ông Bảo nói.

Đây là cách làm đã được Chính phủ áp dụng ngay từ đợt dịch Covid-19 thứ hai, bùng phát bắt đầu ở Đà Nẵng từ tháng 7/2020. Cách khoanh vùng theo từng “đốm lửa” của Chính phủ đã giúp kiểm soát dịch bệnh tốt, mà hạn chế được những tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Đó cũng chính là lý do khiến kinh tế Việt Nam không bị ảnh hưởng quá lớn từ đợt dịch thứ 3.

Tuy vậy, các thành viên Chính phủ trong phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày hôm qua vẫn không khỏi lo lắng, khi vẫn có những ca lây nhiễm xuất hiện trong cộng đồng. Đặc biệt, các biến chủng mới tiếp tục xuất hiện trên thế giới, có thể tác động tới tốc độ lây nhiễm của dịch và hiệu quả phòng, chống của vắc-xin.

Do vậy, quan điểm thống nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như của các thành viên Chính phủ, là cần tiếp tục tập trung, cảnh giác cao độ; chủ động, quyết liệt, thần tốc hơn nữa trong việc kiểm soát dịch bệnh trong nước và từ bên ngoài để bảo vệ sức khỏe người dân, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế – xã hội.

Dù những tác động không quá lớn, song rõ ràng, ở một góc độ nào đó, các hoạt động sản xuất – kinh doanh, nhất là các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải và du lịch đang tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Các con số được viện dẫn, đó là doanh thu lưu trú, ăn uống 2 tháng đầu năm giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu du lịch lữ hành giảm sâu, lên đến 62,1% so với cùng kỳ; hoạt động vận tải, hàng không bị tác động nghiêm trọng. “Đây là những ngành, lĩnh vực cần sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy.

Các điểm đáng lưu ý khác của nền kinh tế, đó là xu hướng giá cả tăng trở lại. Hơn thế, điều quan trọng, đó là tuy đã có những chuyển biến tích cực trong tháng 2/2021, song tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn cho thấy tác động dai dẳng của Covid-19.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 2 tháng đầu năm 2021 tăng 4% so với cùng kỳ, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 8% của năm 2020. Trong khi đó, số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động giảm 8,4%. Hơn thế nữa, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao. Trong 2 tháng đầu năm, đã có hơn 21.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34% so với cùng kỳ, chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động trong các ngành dịch vụ, du lịch.

“Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường, tìm kiếm những ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi triển khai các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp, chưa ‘đóng cửa’ doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ.

Đó cũng là nguyên nhân mà trong chiều ngày 01/3/2021 và cả ngày 02/3/2021, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các cuộc gặp để lắng nghe doanh nghiệp nói về những khó khăn, vướng mắc của mình. Năm ngoái, khi Covid-19 bùng phát, cũng đã có những cuộc gặp như vậy được tổ chức, để từ đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát; tập trung hỗ trợ sản xuất – kinh doanh, chú trọng phát triển thị trường trong nước; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế; đồng thời đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu; đẩy mạnh thu hút hiệu quả, có chọn lọc đầu tư nước ngoài…

Đây chính là những “cỗ xe” quan trọng thúc tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung nhắc đến những “giải pháp khác biệt” mà Việt Nam cần thực hiện. Đó là làm sao đưa các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy các ngành nghề mới phát triển, chứ không chỉ là chính sách hỗ trợ, giải cứu doanh nghiệp.

Quan điểm này có lẽ cũng liên quan đến các đề xuất về việc phải thúc đẩy phát triển kinh tế số, con “mã” thứ ba của nền kinh tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vừa chính thức được ban hành, quan điểm thúc đẩy phát triển kinh tế số cũng đã được nhấn mạnh. Đây chính là một động lực tăng trưởng mới và quan trọng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, trước khi thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, điều mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đó là cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có việc đẩy mạnh việc hợp tác, đàm phán mua vắc-xin và nghiên cứu vắc-xin trong nước; đẩy nhanh việc triển khai tiêm chủng vắc-xin, đặc biệt đối với các khu vực, đối tượng ưu tiên. Kiểm soát tốt dịch bệnh là điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất để Việt Nam vượt qua nỗi thắc thỏm vì Covid-19, từng bước phục hồi kinh tế.

(Hà Nguyễn/baodautu.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here