Báo Thái Lan nêu lý do vẫn nên đầu tư vào Việt Nam sau đại dịch Covid-19

0
56
(Nhà máy của Samsung Việt Nam tại Bắc Ninh. Ảnh: Đức Thanh)
Nhà đầu tư Samsung của Hàn Quốc là nguồn thu hút vốn FDI lớn đối với Việt Nam.

Tờ Bangkok Post của Thái Lan mới đây đăng tải bài phân tích với nhận định, “Dù đầu tư trong thời kỳ đại dịch là thách thức đối với các nhà đầu tư trên toàn cầu. Việt Nam vẫn tỏ ra vượt trội hơn so với các thị trường quốc tế khác nhờ duy trì tăng trưởng GDP trong bối cảnh COVID-19 năm 2020. Dù phải trải qua nhiều tháng giãn cách nghiêm ngặt năm 2021 vừa qua, song nền kinh tế tăng trưởng cao hàng đầu châu Á này vẫn nhận được nhiều kỳ vọng.

Bloomberg dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 ở mức 7%, một trong những mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. COVID-19 thực sự làm giảm mức tăng trưởng cao ghi nhận đầu năm 2021 và tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm thấp hơn mức dự báo của thị trường 1,4%.

Tuy nhiên, Maetha Peeravud, Trợ lý Phó Chủ tịch – Nhóm Quản lý Quỹ, BBL Asset Management, tin rằng nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất: “Trước mắt, trong 3-6 tháng tới, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam là tích cực. Tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 đang tăng lên khi 90% dân số tại các thành phố lớn như TP. HCM và Hà Nội đã được tiêm mũi đầu tiên. Việt Nam cũng đã đảm bảo đủ vaccine cho toàn bộ dân số, hy vọng sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng vào quý 1 hoặc quý 2/2022”.

Về mặt địa lý, Việt Nam có vị trí chiến lược đối với lĩnh vực xuất khẩu hiệu suất cao. Với trọng tâm là đào tạo, hiệp định thương mại tự do và nâng cao kỹ năng lao động, chuỗi cung ứng toàn cầu đã dành sự quan tâm lớn đến Việt Nam. Samsung, tập đoàn sản xuất đa quốc gia của Hàn Quốc, phân bổ hơn một nửa năng lực sản xuất điện thoại di động cho Việt Nam.

Chuyên gia Maetha đồng quan điểm về triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam. Chuyên gia này xác định 3 vấn đề cần lưu ý trong dài hạn:

Thứ nhất, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam sẽ tác động lớn về mặt nhân khẩu học, cụ thể là tốc độ tăng trưởng kinh tế do thay đổi cơ cấu dân số theo độ tuổi. Hơn một nửa dân số Việt Nam dưới 35 tuổi đang trong độ tuổi lao động và sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế dài hạn. Thêm vào đó, số lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đang tăng lên, trong khi lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đang giảm, cho thấy một sự chuyển dịch lớn sang thành phần thu nhập cao hơn. Ngoài ra, tăng trưởng doanh số bán lẻ của Việt Nam liên tục trên 10%, nhiều hơn mức tăng trưởng GDP, phản ánh thu nhập tăng lên.

Thứ hai, Việt Nam đang hưởng lợi từ tăng trưởng công nghiệp hóa nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các công ty công nghệ toàn cầu đã tích cực hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ tiên tiến hơn và đào tạo lao động tay nghề cao, từ đó giúp sản xuất ra nhiều sản phẩm cao cấp hơn.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài không chỉ giúp giảm thuế quan và tăng trưởng giữa các khu công nghiệp mà còn nâng cao toàn bộ chuỗi cung ứng, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo. Giờ đây, tỷ lệ vốn FDI ròng trên GDP ở Việt Nam thậm chí còn cao hơn cả Trung Quốc hay Thái Lan, nhờ “chiến lược Trung Quốc+1”, theo đó tập trung vào đa dạng hóa bằng cách đặt một nhà máy ở Trung Quốc và một nhà máy khác ở các nước đang phát triển như Việt Nam.

Thứ ba, tăng trưởng của Việt Nam một phần phụ thuộc vào quá trình số hóa. Cùng với kế hoạch 5 năm, Chính phủ Việt Nam cũng đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế kỹ thuật số trong GDP tăng trưởng từ 5% vào năm 2019 lên 20% vào năm 2025.

Chuyên gia Maetha cho rằng Chính phủ Việt Nam đang hoạch định một lộ trình tăng trưởng rõ ràng: “Chính phủ kỳ vọng tăng trưởng GDP 6,5-7,0% đồng thời hỗ trợ sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn cùng với nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển. Việt Nam cũng đang phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, ví dụ như việc xây dựng nhiều trung tâm dữ liệu hơn, cung cấp hơn 50.000 kỹ sư mới mỗi năm”.

Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đang tăng giá với nhiều yếu tố thúc đẩy. Jeff Suteesopon, Giám đốc Danh mục đầu tư cổ phần ASEAN kiêm Phó Chủ tịch – Nhóm Quản lý Quỹ, BBL Asset Management, giải thích: “Giá trị vốn hóa thị trường của ba sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam vào khoảng 7.000 tỷ Baht, so với 18.000 tỷ Baht của Thái Lan, cho thấy cơ hội phát triển.

Hơn nữa, đã từng có vấn đề về thanh khoản. Tuy nhiên, giờ đây, do kết quả hoạt động tốt ngay cả trong giai đoạn COVID-19, khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày đã tăng lên đáng kể – từ khoảng 3.000 lên gần 30.000 triệu baht hoặc gần 10 lần trong vòng 5 năm, 80% trong số đó đến từ các nhà đầu tư bán lẻ. Thêm vào đó, các tài khoản môi giới đã tăng từ 2 lên 3 triệu tài khoản chỉ trong 2 năm, so với khoảng 4 triệu tài khoản ở Thái Lan”.

Một chất xúc tác khác là định giá cổ phiếu. Jeff cho biết: “Ngay cả khi tăng mạnh vào năm 2020 và 2021, định giá cổ phiếu Việt Nam không quá cao. Hệ số P/E dự phóng năm 2022 của VN Index chỉ là 13, so với 16 của chỉ số SET của Thái Lan. Hơn nữa, tăng trưởng thu nhập đang diễn ra mạnh mẽ. Dự báo tăng trưởng EPS của VN Index trong các năm 2021, 2022 và 2023 lần lượt là 25%, 18% và 16%”.

Quan trọng nhất, Jeff cho biết Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực nâng cấp thị trường chứng khoán Việt Nam từ “cận biên” lên “mới nổi” để thu hút nhiều đầu tư hơn.

Cuối cùng, Giám đốc Danh mục đầu tư cổ phần ASEAN Jeff trấn an các nhà đầu tư vẫn còn nghi ngờ về một số vấn đề ở Việt Nam: “Nền chính trị Việt Nam rất ổn định. VND cũng vậy. Đặc biệt là trong ba năm qua, xuất khẩu tăng trưởng tốt và dự trữ ngoại hối mạnh”.

Thu Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here