Báo cáo hàng năm về tình hình nước Pháp năm 2018: Đầu tư tốt hơn cho nước Pháp

0
193

Ngày 12/6/2018, Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Môi trường Pháp đã công bố Báo cáo hàng năm về tình hình nước Pháp 2018 với tiêu đề “Đầu tư tốt hơn cho nước Pháp”.

Năm 2018, các chỉ số kinh tế của Pháp cho thấy dấu hiệu khả quan (tăng trưởng kinh tế 2,2% trong khi tăng trưởng trung bình giai đoạn 2009-2016 là 1,1%). Thâm hụt ngân sách giảm xuống 2,0% GDP dưới mức quy định “% trong Eurozone. Tuy nhiên nợ công tăng mạnh trở lại đạt 96,8% GDP. Thất nghiệp giảm xuống dưới 10% thấp hơn mức trung bình của EU và nhất là trong giới trẻ và những người sắp về hưu. Tỷ lệ thất bại trong học tập và đào tạo xuống thấp hơn (tỷ lệ nghỉ học sớm năm 2016 là 8,8% tương đương 450.000 người so với trung bình trong EU là 10,7%), tỷ lệ nghèo đói và bất bình đằng xuống thấp hơn so với một số nước láng giềng. Tuy nhiên năng suất lao động trung bình ở Pháp vẫn ở mức thấp, do đó ảnh hưởng đến tăng trưởng trong dài hạn. Một vài chỉ số khác cho thấy Pháp đang đi chậm so với các nước đối tác trong EU như trên lĩnh vực chuyển đổi sinh thái, chuyển đổi năng lượng (năm 2016 Pháp đạt chỉ số thải carbon đầu người là 10,8 tấn trong khi mục tiêu đặt ra vào 2050 là dưới 2 tấn), đầu tư cho nguồn nhân lực xanh, đầu tư vào R&D (năm 2015 đạt 2,27% GDP, 2016 là 2,25% so với 2,74% tại Mỹ và 2,94% tại Đức trong khi EU đặt mục tiêu đạt 3% GDP vào năm 2020)…

Báo cáo chỉ ra những thách thức của nước Pháp hiện nay, trong tương lai, nhất là trước những biến đổi lớn về cơ cấu dân số, chuyển đổi về năng lượng và sinh thái, cách mạng kỹ thuật số… Đứng trước nhưng thách thức đó, chính phủ cần theo đuổi và phát triển một chính sách đầu tư tham vọng cả về vật chất và phi vật chất (nghiên cứu, đào tạo, việc làm, dịch vụ công) nhằm tạo ra tăng trưởng, việc làm và sự cố kết xã hội.

Báo cáo đưa ra các kiến nghị sau:

  1. Trước những thách thức về chuyển đổi năng lượng, sinh thái, cách mạng kỹ thuật số, yêu cầu giải quyết việc làm, Pháp cần đầu tư mạnh mẽ cả về nguồn lược tài chính lẫn con người cho các chương trình đầu tư ở cấp độ quốc gia và EU. Báo cáo khuyến nghị tạo những ưu đãi khác biệt cho một số hình thức đầu tư vào lĩnh vực phi vật chất (đào tạo, R&D, trí tuệ nhân tạo…) hoặc lĩnh vực chuyển đổi sinh thái. Ở cấp độ EU, chính phủ Pháp phải thúc đẩy hình thành cách tiếp cận năng động chung của EU hướng tới “xanh hoá nền kinh tế”. Các tiêu chí ngân sách và tài chính của Hiệp định Maastricht cũng nên nới lỏng đối với các khoản đầu tư, nợ liên quan đến đầu tư vào lĩnh vực này.
  2. Để cân bằng giữa kỷ luật về ngân sách trong Eurozon và nhu cầu đầu tư, báo cáo khuyến nghị “lựa chọn tốt hơn các dự án đầu tư có thể tạo ra tăng trưởng trong dài hạn và tối đa hoá khả năng tạo đòn bẩy, khuyến khích đầu tư tư nhân trong cùng lĩnh vực” (theo mô hình sáng kiến Juncker về Quỹ đầu tư chiến lược châu Âu” chỉ với ngân sách 21 tỷ Euro trong giai đoạn 2015-2018 đã gần hoàn thành huy động 315 tỷ Euro đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực như hạ tầng chiến lược, giáo dục và đào tạo, R&D, năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng…).  Xây dựng mô hình đối tác công – tư mới bởi vì các nghiên cứu hiện nay cho thấy hình thức PPP hiện nay không phải lúc nào cũng hiệu quả và mang lại lợi ích công mà đôi khi để lại hậu quả lớn về dài hạn.
  3. Tăng cường đầu tư về mặt xã hội nhằm cải thiện nguồn nhân lực, có chính sách phòng ngừa bất bình đẳng. Phát triển các dự án đầu tư giải quyết xu hướng già hoá dân số và sự phụ thuộc về mặt xã hội.  Tăng cường đầu tư tạo việc cơ hội việc làm thứ hai thông qua các biện pháp tái hoà nhập và nâng cao năng lực. Có chính sách dự phòng và hoà nhập đối với giới trẻ nhằm giúp họ thoát khỏi “bẫy nghèo”. Cần phải tạo ra “cơ hội thứ hai” về đào tạo, việc làm cho họ. Chính phủ phải đầu tư cho đào tạo ban đầu và liên tục và chính sách này phải được trợ giúp bởi những nghiên cứu, đánh giá tốt hơn về nhu cầu nhân lực theo ngành/nghề phù hợp với thực tế và định hướng chuyển đổi sinh thái và kỹ thuật số.
  4. Các địa phương trong thực thi thẩm quyền của mình trong lĩnh vực kinh tê cần hành động tích cực nhằm bảo vệ hệ sinh thái địa phương. Cần có sự phối hợp, điều tiết tốt hơn giữa chính sách của các cụm cạnh tranh khu vực và chương trình đầu tư lớn nhằm tập trung nguồn lực vào các dự án mang tính sáng tạo. Chú trọng giảm thiểu phân cách giữa các vùng lãnh thổ nhất là đối với các địa phương trở nên mong manh do xu thế phi công nghiệp hoá.
  5. Để phục hồi công nghiệp cần phải định nghĩa lại chiến lược công nghiệp với sự tham gia thảo luận của Chính phủ, các doanh nghiệp và các đối tác xã hội. Hình thành một môi trường thuận lợi cho đầu tư vào sản xuất sản phẩm, lợi nhuận và hiệu quả về việc làm thông qua các chính sách của chính phủ về hỗ trợ tín dụng ngân hàng, tiết kiệm hoặc một cơ chế thuế phù hợp. Gia tăng nỗ lực đầu tư công và tư về R&D trong công nghiệp. Có chính sách quyết đoán thúc chuyển đổi sinh thái và năng lượng trong công nghiệp; đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực.

Phát biểu tại Hội thảo giới thiệu báo cáo 2018, Quốc vụ khanh bên cạnh Thủ tướng, Người phát ngôn chính phủ Benjamin Griveaux nhất mạnh Pháp đứng trước hai thách thức lớn là (1) chuyển đổi năng lượng và sinh thái và (2) chuyển đổi kỹ thuật số và cách mạng 4.0. Năm 2018, Pháp đạt được thành tựu lớn về sức hấp dăn đầu tư nước ngoài theo như báo cáo độc lập của EY Advisory công bố ngày 11/6. Tuy nhiên, Pháp phải nhanh chóng có chính sách phù hợp nhằm theo kịp nhưng biến chuyển nhanh chóng về kinh tế, xã hội, môi trường do cách mạng 4.0 mang lại. Về đầu tư, Chính phủ Pháp chủ trương ba hướng đầu tư lớn.

  1. Khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua cải cách về thuế, luật lao động… Tạo ra động lực cho các nhà đầu tư nước ngoài, người dân trong nước thay vì giữ tiền, tiết kiệm bỏ ra đầu tư và tạo ra việc làm. Gỡ bỏ các ràng buộc về thuế, lao động, tiền lương giúp các start-up phát triển. Tư nhân hoá các phần nhà nước nắm giư trong các tập đoàn lớn nhằm khuyến khích đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực chiến lược vốn do nhà nước chi phối.
  2. Đầu tư công hướng vào ba nội dung chính bao gồm: (1) kinh tế số, trí tuệ nhân tạo với ngân sách 13 tỷ Euro; (2) tăng đầu tư cho R&D, thành lập quỹ đầu tư dài hạn của chính phủ với ngân sách khoảng 10 tỷ Euro từ nguồn tư nhân hoá; (3) đầu tư cho đào tạo bao gồm đào tạo nghề nghiệp và đào tạo hướng đến nghiên cứu: đào tạo nghề cho giới trẻ, đào tạo nghề mới tạo cơ hội nghề nghiệp thứ hai cho người thất nghiệp, chuyển đổi nghề…
  3. Đầu tư về xã hội nhằm xoá bỏ tình trạnh cách ly, gạt ra bên lề xã hội của một lượng lớn người dân. Pháp hiện có khoảng 3 triệu người nghèo, 4 triệu người khó khăn về chỗ ở. Mô hình xã hội Pháp hiện nay có từ sau CTTG2 không phù hợp. Trong một gia đình hiện có tới bốn thế hệ cùng tham gia thị trường lao động. Vì vậy chính phủ sẽ đề ra các chính sách hướng tới bình đẳng và cơ hội cho tất cả mọi người. Tổng thống Macron sẽ có bài phát biểu ngày 13/6 về chủ đề này.

Phát biểu bình luận về kinh tế số, Giáo sư Philippe Dessertin, Viện Quản lý Doanh nghiệp, ĐH Sorbonne cho rằng Pháp hiện đối mặt với thách thức kép về biến đổi dân số và biến đổi khí hậu. Chuyển đổi về năng lượng, sinh thái và kinh tế kỹ thuật số (4.0) là những giải pháp cho cá thách thức này. Tuy nhiên khi nói về kinh tế kỹ thuật số hay cách mạng 4.0 nhiều người đi vào diễn ngôn hơn là đi vào bản chất. Khoa học kỹ thuật vốn phát triển không theo tuyến tính mà nhảy vọt. Các phát kiến, tiến bộ về khoa học sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất, sản phẩm, tạo ra phương thức tiêu thụ mới, lối sống mới… Cách mang 4.0 có thể là cách mạng quan trọng nhất của lịch sử bởi nó không chỉ thay đổi những gì ở trên như đã từng xảy với 1.0, 2.0, 3.0. Điểm quan trọng trong cách mạng lần này không phải ở kỹ thuật hay công nghệ, đó chỉ là hiện tượng, mà quan trọng ở chỗ nó “phi trập trung hoá” nền kinh tế, xã hội. Tập trung hoá về kinh tế, xã hội vốn là sản phẩm của 2.0.

EU hiện nay đạt trình độ 4.0 về khoa học, công nghệ nhưng chưa đạt trình độ này về kinh tế. Hay nói cách khác chưa có kinh tế 4.0 ở châu Âu. EU hiện nay là “người tiêu thụ” các sản phẩm 4.0 chứ không phải bên tạo ra các sản phẩm 4.0. Nghịch lý là cho dù nghiên cứu khoa học ở EU đang ở trình độ rất cao tức 4.0, nhưng đầu tư vào kinh tế 4.0 lại đến từ Mỹ hay châu Á mà cụ thể là Trung Quốc. Câu hỏi hiện nay đối với chính phủ, với EU là tại sao không phải là vốn, đầu tư của EU và tại EU.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here