Báo cáo chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ

0
746
(Bloomberg)
(Bloomberg)

Ngày 13/01/2020, Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo tháng 01/2020 về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ.

Báo cáo đã rà soát 20 đối tác thương mại lớn của Mỹ với kim ngạch thương mại hàng hóa song phương với Mỹ đạt ít nhất 40 tỷ USD, trong giai đoạn từ tháng 6/2018 – 6/2019. Ba tiêu chí để đánh giá khả năng thao túng tiền tệ tương tự báo cáo hồi tháng 5/2019 gồm: (i) Thâm hụt thương mại với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD; (ii) Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; và (iii) Can thiệp ngoại hối ở mức tối thiểu 2% GDP. Có 10 đối tác bị đưa vào danh sách giám sát, bao gồm 9 đối tác cũ của báo cáo trước (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italia, Ireland, Singapore, Malaysia và Việt Nam) và một đối tác bị đưa trở lại là Thụy Sỹ. Có 7 đối tác vi phạm 2/3 tiêu chí, 3 đối tác vi phạm tiêu chí là Trung Quốc, Việt Nam và Ireland.

Liên quan đến Việt Nam, báo cáo tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách giám sát, tuy nhiên Việt Nam chỉ còn vi phạm 1 tiêu chí về thặng dư thương mại với Mỹ ở mức 47 tỷ USD và giảm bớt tiêu chí vi phạm thặng dư cán cân vãng lai so với báo cáo cũ do chỉ ở mức 1,7% GDP. Can thiệp ngoại hối của Việt Nam cũng chỉ ở mức 0,8% GDP. Nhiều nội dung giống với báo cáo hồi tháng 5/2019, tuy nhiên báo cáo lần này có đề cập thêm việc gia tăng một số mặt hàng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ do sự sụt giảm trong việc nhập khẩu các mặt hàng tương tự từ Trung Quốc, phản ánh sự chuyển động của các chuỗi cung ứng nhưng cũng có thể là do vấn đề gian lận xuất xứ để tránh thuế quan đối với các hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng ghi nhận việc Việt Nam đã xử lý hơn 1.300 vụ việc trong 6 tháng đầu năm 2019.

Theo báo cáo, Mỹ quyết định Trung Quốc không còn là nước thao túng tiền tệ do trong thỏa thuận giai đoạn một, Trung Quốc đã đưa ra các cam kết về việc không phá giá và không nhắm đến tỷ giá hối đoái cho các mục đích cạnh tranh, nhất trí công bố các thông tin liên quan đến cân bằng cán cân thanh toán và Trung Quốc cũng đã có những điều chỉnh đối với đồng nhân dân tệ. Báo cáo khuyến nghị Trung Quốc cần tiến hành các biện pháp cần thiết để tránh định giá thấp đồng nhân dân tệ, công khai dữ liệu can thiệp tỷ giá ngoại hối, tái cân bằng và mở cửa hơn nữa nền kinh tế…

Theo các đạo luật thương mại 1988 và 2015, một đối tác bị đưa vào danh sách giám sát sẽ ở trong danh sách này ít nhất 2 kỳ báo cáo liên tiếp. Nếu tình hình cải thiện, không còn vi phạm 2 tiêu chí trở lên thì sẽ được ra khỏi danh sách trong báo cáo kỳ tiếp theo.

(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here