Báo Ấn Độ: Việt Nam hội đủ các yếu tố để nâng cao hình ảnh kinh tế, làm vững tâm các nhà đầu tư nước ngoài

0
153

Tác giả Rudroneel Ghosh đánh giá Việt Nam như một ngôi sao đang lên, hội đủ các yếu tố để nâng cao hình ảnh kinh tế, làm vững tâm các nhà đầu tư nước ngoài, đăng  trên tờ Times of India của Ấn Độ.

Theo tác giả, đại dịch COVID-19 đang là một thử thách lớn đối với các quốc gia về khả năng phục hồi, điều hành hiệu quả và quan trọng nhất là năng lực tổ chức của mỗi nước. Những quốc gia đã thể hiện được khả năng mạnh mẽ trên các mặt trận này không chỉ xử lý dịch bệnh tốt hơn mà còn đang tìm cách vươn lên mãnh liệt hơn.

Việt Nam đang thu hút sự chú ý lớn của quốc tế. Việt Nam đã kiểm soát được COVID-19 bằng ý chí thép, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, tuyên bố “chống dịch như chống giặc”, triển khai chiến dịch thông tin đại chúng hiệu quả và thực hiện các biện pháp truy dấu tiếp xúc và cách ly quy mô lớn.

Kết quả là, Việt Nam chỉ có hơn 300 ca mắc bệnh COVID-19 và không có trường hợp tử vong.

Điều thú vị hơn là giờ đây, thế giới đang hướng đến Việt Nam từ góc độ kinh tế. Khi các công ty đa quốc gia tìm cách dịch chuyển khỏi Trung Quốc sau đại dịch, Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên là điểm đến lựa chọn được ưa thích. Ấn Độ cũng đang để mắt đến vấn đề này, nhưng do tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát (Ấn Độ hiện đang đứng thứ tư trên thế giới về tổng số ca nhiễm), các công ty sẽ chưa tìm đến nước này để thiết lập cơ sở.
Việt Nam đang tăng tốc guồng máy kinh tế và đã tái khởi động du lịch nội địa. Hiện Việt Nam đang xem xét nối lại chuyến bay quốc tế đến các khu vực an toàn như Đài Loan, Seoul và Tokyo. Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm nay. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 2,7% trong khi dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) là 4,9% – nhanh hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực.

Ở chiều ngược lại, chính phủ Ấn Độ vừa thừa nhận kinh tế nước này đang hướng đến GDP tăng trưởng âm lần đầu tiên sau 40 năm. Ngoài ra, có rất nhiều rào cản về thủ tục đầu tư và thiết lập cơ sở sản xuất tại Ấn Độ: Từ thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ phù hợp đến thủ tục hành chính phức tạp quan liêu và khó khăn trong việc thu hồi đất, đầu tư vào Ấn Độ tiếp tục có tính rủi ro cao. Mặc dù thị trường rộng lớn của Ấn Độ có tiềm năng sinh lời tốt và New Delhi đã thực hiện một số nỗ lực muộn màng liên quan đến cải cách lao động, nhưng tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế và tình trạng thất nghiệp hàng loạt sau đó đã làm giảm bớt sức hấp dẫn này.

Còn Việt Nam đã quyết liệt thực hiện các cải cách kinh tế và điều hành trong vài thập kỷ qua. Sau khi thực hiện chính sách Đổi mới áp dụng các cải cách kinh tế thị trường tự do, Việt Nam tiếp tục tiến hành các cải cách hành chính, được phản ánh qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Đây là những dự án chung giữa chính quyền Việt Nam với Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ và Chương trình phát triển Liên hợp quốc. Những chỉ số này đã góp phần cải thiện các lĩnh vực y tế, truy cập thông tin, kiểm soát tham nhũng và phối hợp hiệu quả hơn giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Đây thực sự là những thành phần chính để thúc đẩy một môi trường kinh doanh lành mạnh.

Nhờ đó, Việt Nam đang hưởng thành quả ngày hôm nay. Việt Nam đã ngăn chặn được COVID-19, cơ bản dập tắt được cơn bão kinh tế và đang sở hữu những thành tố thích hợp để tận dụng tối đa lợi thế kinh tế thời kỳ hậu COVID-19. Xử lý dịch bệnh hiệu quả, thể hiện được khả năng tổ chức của mình, cùng với một chính phủ thân thiện với doanh nghiệp, Việt Nam chắc chắn đang làm vững tâm các nhà đầu tư nước ngoài và các công ty đa quốc gia.

Thu Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here