Bangladesh nên quan tâm Hiệp định RCEP

0
135
(Bangladesh)
(Bangladesh)

Với việc ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP), thế giới đang chứng kiến một dấu mốc quan trọng trong viễn cảnh kinh tế toàn cầu. Thỏa thuận RCEP bao gồm 15 quốc gia với dân số 2,3 tỉ, chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới và tổng GDP khoảng 24.800 tỷ USD (tính theo sức mua tương đương), tương đương khoảng 29% của GDP toàn cầu.

RCEP sẽ trở thành khối thương mại lớn nhất thế giới, lớn hơn cả EU, hay CPTPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương-TPP, trừ Mỹ) hoặc Mỹ-MCA (trước là NAFTA). Thương mại của các nước RCEP trong năm 2018 là khoảng 2.800 tỷ USD, 57% trong số đó là thương mại nội khối RCEP.

Trong những năm gần đây, số lượng các hiệp định thương mại khu vực (RTA) nhiều loại khác nhau đang tăng. Khoảng 305 RTA đã có hiệu lực và WTO đã được thông báo có 496 RTA khác đang được đàm phán. Các RTA này điều chỉnh trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc cả hai. 57 trong số các RTA này là các hiệp định hội nhập kinh tế (EIA), vượt ra ngoài khuôn khổ thương mại hàng hóa và dịch vụ.

Tuy nhiên, RCEP thực sự nổi bật trong số rất nhiều các RTA này. Như tên gọi, nó là một thỏa thuận vượt ra ngoài tự do hóa thương mại và thuế quan, hợp tác trong các lĩnh vực thương mại điện tử, dỡ bỏ các rào cản kỹ thuật đối với các hàng rào thương mại và phi thuế quan, thiết lập các tiêu chuẩn chung và các biện pháp khác nhau để thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối. Mục đích là tận dụng các lợi thế so sánh thông qua các sáng kiến để thúc đẩy và khuyến khích hội nhập kinh tế sâu rộng hơn.

RCEP dự kiến sẽ có hiệu lực từ đầu năm sau. Kế hoạch tự do hóa thuế quan, với mục tiêu bao phủ 90% các mặt hàng trao đổi, được thực hiện trong 20 năm tới. 20 chương của hiệp định đặt nền tảng cho sự hợp tác giữa 15 thành viên có thể nói sâu và rộng hơn hiệp định thương mại tự do ASEAN và các FTA song phương mà ASEAN có với 5 nước tham gia RCEP (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand). Ấn Độ đã rút không tham gia vào thời điểm cuối cùng nhưng có thể tham gia ở giai đoạn sau.

Việc ký kết RCEP cần được Bangladesh quan tâm và theo dõi chặt chẽ, vì một số lý do. Thứ nhất, RCEP bao gồm một số nước LDC, hai trong số đó là Myanmar và Lào, sẽ ra khỏi LDC trong những năm tới, tương tự như Bangladesh. Campuchia cũng là LDC khác trong RCEP. Timor-Leste, một LDC trong khu vực đang cố gắng trở thành thành viên ASEAN. Tư cách thành viên RCEP sẽ cho phép các nước kém phát triển này tiếp cận với một thị trường rộng lớn, với các điều kiện tiếp cận thị trường ưu đãi, tại thời điểm mà Bangladesh sẽ không còn đủ điều kiện để được hưởng quyền tiếp cận ưu đãi dành cho LDC của các thành viên RCEP như Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và các thành viên dành ưu đãi khác. RCEP cho thấy các nước LDC ở Đông Nam Á đang lập chiến lược như thế nào để giải quyết những thách thức khi ra khỏi LDC.

Thứ hai, và đây sẽ là một vấn đề đáng quan tâm đối với các nhà hoạch định chính sách của Bangladesh, Việt Nam, một đối thủ cạnh tranh lớn của Bangladesh, đặc biệt về hàng may mặc, sẽ được hưởng ưu đãi tiếp cận thị trường RCEP rộng và nhiều cơ hội, với tư cách là thành viên của hiệp định. Việt Nam đã ký FTA song phương với EU và cũng là thành viên của CPTPP. Nếu dưới thời chính quyền mới của Biden, Mỹ quyết định tham gia CPTPP (thực tế TPP là đứa con tinh thần của chính quyền Obama), thì khả năng tiếp cận thị trường ưu đãi của Việt Nam sẽ được đảm bảo ở hầu hết các thị trường lớn, vào thời điểm mà Bangladesh sẽ mất quyền tiếp cận ưu đãi tại các thị trường này sau khi không còn là LDC. Khả năng cạnh tranh của Bangladesh với Việt Nam sẽ chịu những thách thức do những thay đổi căn bản với những diễn biến này.

Thứ ba, vì RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho đầu tư và phát triển chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất, các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có thêm động lực để đầu tư vào các nước thành viên RCEP nhằm tận dụng tiếp cận thị trường ưu đãi được cung cấp theo thỏa thuận khu vực. Những nỗ lực của Bangladesh để thu hút FDI từ các nước này có thể bị ảnh hưởng tiêu cực vì điều này.

Bangladesh đã quyết định và coi trọng việc ký kết các FTA song phương như một chiến lược đối phó để giải quyết tình trạng mất quyền tiếp cận thị trường ưu đãi do không còn là LDC. Một số sáng kiến liên quan đang được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tầm quan trọng của các FTA như vậy về mặt kinh tế sẽ phụ thuộc chủ yếu vào mức độ ảnh hưởng của các FTA này trên khía cạnh mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác thương mại và đầu tư. Như RCEP cho thấy, những tác động tích cực của các RTA này là việc vượt ra ngoài thương mại, sang dịch vụ, tạo thuận lợi thương mại, xóa bỏ rào cản phi thuế quan, thương mại điện tử và khả năng làm sâu sắc hơn mối quan hệ đầu tư. Bangladesh nên xem xét kỹ vấn đề là làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với ASEAN và RCEP, như một chiến lược trong tương lai.

Một sự phát triển đầy hứa hẹn trong lĩnh vực này là Sáng kiến Vịnh Bengal về Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Đa ngành (BIMSTEC) -FTA, mà đàm phán gần đây đã được hoàn tất. Hiệp định khung cho BIMSTEC-FTA được ký kết vào năm 2004. Đáng tiếc, đã mất 16 năm và nhiều vòng thảo luận để hoàn tất quá trình đàm phán FTA. BIMSTEC-FTA cũng được tính bao gồm lĩnh vực dịch vụ. Như vậy, BIMSTEC-FTA có thể có khả năng thay đổi cuộc chơi trong việc mở ra cơ hội cho Bangladesh để có những liên kết rõ ràng với ASEAN và RCEP.

Bangladesh nên đi đầu trong vấn đề này vì có được nhiều lợi ích nhất từ việc làm sâu sắc hơn quan hệ với các RTA này. BIMSTEC mang lại cho Bangladesh một chỗ đứng vững chắc trong thị trường ASEAN đáng gờm thông qua hai thành viên ASEAN, cũng là các thành viên của BIMSTEC: Thái Lan và Myanmar. Hợp tác chặt chẽ hơn với ASEAN, có lẽ thông qua một FTA BIMSTEC-ASEAN trong tương lai sẽ tạo cơ hội cho Bangladesh có quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với RCEP.

Tuy nhiên, để làm được điều này, Bangladesh sẽ phải chuẩn bị kỹ lưỡng và đầy đủ năng lực đàm phán cần thiết và xây dựng chính sách đảm bảo tuân thủ (trong các lĩnh vực chứng nhận, tiêu chuẩn lao động, đồng bộ và tiêu chuẩn hóa các thủ tục hải quan) và thiết kế các chiến lược thương mại và đầu tư trong nước để có thể tận dụng các mối liên kết kinh tế chặt chẽ hơn với các FTA khu vực này.

Các nhà hoạch định chính sách nên suy nghĩ nghiêm túc về việc thành lập một cơ quan đàm phán chuyên trách, giống như trong Bộ Thương mại để giải quyết các vấn đề của WTO, để phát triển và bố trí nguồn nhân lực cần thiết để theo đuổi các cuộc đàm phán này, một nhiệm vụ sẽ ngày càng quan trọng trong thời gian tới, những ngày mà Bangladesh đang chuẩn bị sẵn sàng để phát triển bền vững sau khi ra khỏi LDC.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here