Bangladesh có thể mất 14,28% giá trị xuất khẩu sau khi ra khỏi LDC

0
220
(minh hoạ)
(minh hoạ)

Báo cáo của UNCTAD “Ngành dệt may ở các nước châu Á đang rời khỏi nhóm nước kém phát triển: Thách thức và lựa chọn”, được công bố kết quả nghiên cứu tác động khi ra khỏi LDC của 5 quốc gia là Bangladesh, Campuchia, Lào, Myanmar và Nepal. Dự đoán thương mại Bangladesh

Báo cáo cho biết, Bangladesh có thể sẽ thiệt hại nhiều hơn so với các nước châu Á khác vì phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu hàng dệt may – loại hàng có mức ưu đãi thuế cao ở các thị trường xuất khẩu của Bangladesh. Bangladesh có khả năng mất 14,28% thu nhập xuất khẩu hàng năm, tương đương 5,73 tỷ USD, trong khi đó, Lào có thể chỉ mất khoảng 1,45%.

Một nghiên cứu khác trước đó đã chỉ ra, hậu LDC, Bangladesh và Myanmar mỗi nước có thể bị giảm khoảng 7% xuất khẩu, trong khi Campuchia khoảng 11%. Có những nghiên cứu khác đã dự đoán hậu LDC khiến xuất khẩu Bangladesh giảm từ 8-12%.

Báo cáo của UNCTAD cũng cho biết Bangladesh và Nepal chịu mức tăng thuế quan hàng dệt may xuất khẩu cao hơn, lần lượt là 8,9% và 8,1%. Myanmar và Lào ước tính sẽ thấp hơn, lần lượt là 3,8% và 3,2%.

Sau khi tốt nghiệp LDC, các nước sẽ mất các ưu đãi thương mại, phải đối mặt với các yêu cầu khắt khe hơn về Quy tắc xuất xứ (RoO) của các nước nhập khẩu, đặc biệt là trong trường hợp không có các thỏa thuận thương mại thay thế như Hệ thống Ưu đãi Chung (GSP) cho các nước không thuộc LDC, các hiệp định thương mại tự do song phương hay khu vực (FTA).

Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Bangladesh là Liên minh Châu Âu (EU). Theo đề xuất GSP 2024-34 của EU, Bangladesh được coi là nước ra khỏi LDC duy nhất tại châu Á có hàng dệt may xuất khẩu có thể bị áp dụng các biện pháp tự vệ của EU. Theo đó, nếu tỷ trọng chung của mục HS 61, 62 và 63 từ một quốc gia vượt quá 6% tổng kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm cùng loại của EU, thì các biện pháp tự vệ sẽ được thực hiện để loại bỏ quyền tiếp cận thị trường miễn thuế của các mặt hàng. Mức xuất khẩu quần áo hiện tại của Bangladesh đã vượt ngưỡng, hơn 13%. Do đó, nếu các điều khoản đề xuất không thay đổi, Bangladesh có thể không đáp ứng được điều kiện của GSP+, các sản phẩm quần áo xuất khẩu sẽ không đủ điều kiện để được miễn thuế.

 Trung Quốc và Ấn Độ không cung cấp bất kỳ ưu đãi nào cho các nước không thuộc LDC, nên Bangladesh sẽ phải từ bỏ ưu đãi dành cho LDC của Ấn Độ và Trung Quốc, hiện chiếm hơn 97% số dòng thuế, bao gồm cả những mặt hàng dệt may. Tuy nhiên, Bangladesh có thể được hưởng các nhượng bộ thuế quan theo Hiệp định Thương mại Châu Á – Thái Bình Dương (APTA), tuy nhiên, chỉ có thể ở mức độ nào đó. Mặc dù Bangladesh và Ấn Độ đều là thành viên của Khu vực Thương mại Tự do Nam Á (SAFTA), hầu hết các mặt hàng quần áo không nằm trong lộ trình tự do hóa thuế quan của Ấn Độ dành cho các thành viên SAFTA không thuộc LDC.

Các nước ra khỏi LDC dự kiến ​​sẽ không bị ảnh hưởng tại Hoa Kỳ vì ưu đãi của Hoa Kỳ cơ bản dựa trên danh sách riêng các quốc gia đủ điều kiện thụ hưởng GSP và các hạng mục hàng dệt may.

Bangladesh và Nepal sẽ phải chịu thuế suất GSP hoặc MFN đối với hàng hóa xuất khẩu sang Nhật Bản, vì không phải là thành viên ASEAN, do đó không được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản (CEPA). Trong bối cảnh này, Bangladesh và Nepal sẽ phải đối mặt với mức thuế đối với quần áo xuất khẩu từ 8,5-9%.

Khi được hỏi về các kịch bản thương mại như vậy, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA) Faruque Hassan cho biết việc Bangladesh ra khỏi LDC, trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình chắc chắn sẽ gây ra một số thay đổi đáng kể cần sự hợp tác và nỗ lực để vượt qua. Ông kêu gọi các nước phát triển cho phép Bangladesh hưởng các ưu đãi thương mại trong một thời gian chuyển tiếp dài hơn, ít nhất là 10 năm.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here