Bangladesh cần xúc tiến ký FTA với Châu Âu và Trung Quốc

128
ảnh minh hoạ

Theo Báo cáo “Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2019” của Liên hợp quốc (LHQ) vừa mới được công bố, Bangladesh cần xúc tiến ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác quan trọng, trong đó có Trung Quốc và một số nước tại Châu Âu nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ việc ra khỏi Nhóm các nền kinh tế kém phát triển nhất (LDC).

Những tác động tiêu cực này bao gồm việc Bangladesh sẽ không còn được hưởng Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) từ Liên minh Châu Âu (EU), Canada, Nhật, Úc và các thị trường khác. Hiện Bangladesh đang được hưởng những ưu đãi đối với các sản phẩm dệt may xuất khẩu từ Chương trình “Tất cả trừ vũ khí” (EBA) của EU. Do vậy, LHQ khuyến nghị Chính phủ Bangladesh nên xem xét ký FTA với một số nước Châu Âu, để dần thay thế EBA và GSP+ khi Bangladesh đã ra khỏi LDC.

Bên cạnh đó, Chính phủ Bangladesh cũng nên ký FTA với Trung Quốc – đối tác kinh tế hàng đầu của Bangladesh. Hiện, Bangladesh đã thành lập Ủy ban nghiên cứu về tính khả thi trong việc ký FTA với Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế Bangladesh, Chính phủ nước này cần thận trọng trong việc ký FTA với những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, bởi FTA sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường Bangladesh, đe dọa tới nền kinh tế nội địa.

Theo ông Ahsan H Mansur, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu chính sách của Bangladesh, thay vì ký FTA, Bangladesh nên đàm phán ký Hiệp định Thương mại ưu đãi (PTA) với Trung Quốc. Ông Mansur cũng cho rằng, đối với EU, chiến lược phù hợp mà Bangladesh cần theo đuổi là tiếp tục vận động EU dành Quy chế GSP+ cho Bangladesh ngay cả khi nước này đã ra khỏi LDC.

Còn theo Giáo sư Mustafizur Rahman, Chuyên gia cao cấp của Trung tâm Đối thoại chính sách Bangladesh, trước mắt, Chính phủ Bangladesh cần hướng việc ký FTA với các nền kinh tế nhỏ hoặc trung bình trong khu vực như Sri Lanka hoặc Thái Lan, bởi Bangladesh cần tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trước khi có thể đàm phán FTA với các nền kinh tế lớn, cũng như có thêm nhiều thời gian để phát triển các ngành công nghiệp nội địa, cải thiện các tiêu chuẩn an toàn lao động và quyền sở hữu trí tuệ để nền kinh tế đủ vững chắc trước khi hội nhập và mở cửa sâu rộng.

Hiện Bangladesh đang xúc tiến ký kết FTA với Sri Lanka, nhưng quá trình này đã bị đình trệ kể từ sau cuộc khủng hoảng chính trị tại Sri Lanka.

Năm 2018, Bangladesh đã được LHQ công nhận đợt đầu tiên là đáp ứng đủ những tiêu chuẩn để ra khỏi LDC. Bangladesh sẽ còn phải tiếp tục được LHQ đánh giá và công nhận đợt 2 vào năm 2021 trước khi nước này có thể chính thức ra khỏi LDC vào năm 2024.

(Nguồn: ĐSQVN tại Bangladesh)