Bangladesh cần thúc đẩy ký kết FTA với EU

0
105

Tại cuộc Hội thảo “Hiệp định Thương mại tự do (FTA) – Chìa khóa cho những thách thức khi ra khỏi Nhóm các nước kém phát triển nhất (LDC)” diễn ra hôm 6/11, các chuyên gia kinh tế đã đề xuất với Chính phủ Bangladesh, thay vì thúc đẩy  Quy chế Ưu đãi thuế quan cộng (GSP+), cần thúc đẩy việc ký FTA với Liên minh Châu Âu (EU) nếu nước này muốn tiếp tục được hưởng những chính sách ưu đãi thương mại từ EU ngay cả khi đã ra khỏi LDC vào năm 2027.

Lý do được đưa ra là bởi sau khi ra khỏi LDC, để tiếp tục được cấp Quy chế GSP+, Bangladesh phải đáp ứng những điều kiện khắt khe như phê chuẩn 27 Công ước của Liên hợp quốc, đồng thời tiến hành cải cách trên 4 lĩnh vực quan trọng gồm: quản trị, quyền của người lao động, quyền con người và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, EU cũng có thể chấm dứt những ưu đãi GSP+ bất kỳ lúc nào. Bên cạnh đó, gần đây Bangladesh cũng không đáp ứng tiêu chuẩn để được cấp GSP+ bởi giá trị các hàng hóa nhập khẩu từ Bangladesh đã chiếm 9%, vượt mức ngưỡng 6,5% trong tổng giá trị hàng hóa EU nhập khẩu từ các nước được hưởng lợi từ GSP.

Do vậy, theo các chuyên gia, Bangladesh nên thúc đẩy ký kết FTA với EU. Cũng theo dự báo của các chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Bangladesh sẽ giảm 11%, tương đương 6 tỷ USD sau khi nước này ra khỏi LDC do không còn được hưởng lợi từ những chính sách ưu đãi của các nền kinh tế khác. Cụ thể là Bangladesh sẽ phải chịu mức thuế 12,5% đối với các hàng hóa khi xuất khẩu sang EU, trong khi đó 54% các chuyến hàng xuất khẩu của Bangladesh là sang EU. Hiện Bangladesh đang được hưởng ưu đãi phi thuế quan khi xuất khẩu sang EU do nước này chưa chính thức ra khỏi LDC. Chính vì vậy, kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh sang EU trong năm tài chính 2017-18 đạt 21 tỷ USD, chiếm gần 75% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 36,66 tỷ USD mà nước này đạt được.

Ngoài EU, các chuyên gia cũng kiến nghị Chính phủ Bangladesh ký kết FTA với một vài đối tác thương mại quan trọng trong khu vực, trước mắt là Sri Lanka. Việc ký FTA với Sri Lanka sẽ giúp các nhà đàm phán Bangladesh có thêm kinh nghiệm để mở rộng ký FTA với các nước khác.

(Tin do ĐSQ VN tại Bangladesh tổng hợp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here