Australia hỗ trợ 2,5 triệu AUD cho Chương trình Đối tác thích ứng biến đổi khí hậu

0
91
Giúp đẩy mạnh các mô hình khởi nghiệp của phụ nữ vùng ĐBSCL. (Nguồn: laodong.vn)
Chương trình Đối tác thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai tại Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2023 – 2025 sẽ được Chính phủ Australia hỗ trợ ngân sách đầu tư 2,5 triệu đô la Australia (AUD).
Chương trình Đối tác thích ứng biến đổi khí hậu của Australia giúp đẩy mạnh các mô hình khởi nghiệp của phụ nữ vùng ĐBSCL. (Nguồn: laodong.vn)
Đây là thông tin được đưa ra trong Lễ công bố gói hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long với tên gọi “Nền tảng đối tác doanh nghiệp: Thích ứng biến đổi khí hậu”, do Tổng lãnh sự quán Australia phối hợp với thành phố Cần Thơ tổ chức ngày 21/11, tại Cần Thơ, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Australia.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Sarah Hooper – Tổng lãnh sự Australia tại Tp. Hồ Chí Minh – khẳng định: “Australia luôn cam kết là đối tác phát triển bền vững của ĐBSCL. Quan hệ đối tác tăng cường biến đổi khí hậu tại ĐBSCL nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và Australia trước những thách thức về biến đổi khí hậu”.
Dịp này, Chính phủ Australia công bố 4 đối tác doanh nghiệp mới nhằm tăng cường thích ứng biến đổi khí hậu và nâng cao lợi ích cộng đồng cho các địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với tổng vốn đầu tư là 2,5 triệu AUD.

Cụ thể, các quan hệ đối tác gồm có: Quan hệ đối tác giữa Hillridge Technology, Công ty TNHH Bảo hiểm Phi nhân thọ MSIG Việt Nam và Chính phủ Australia về nông nghiệp chống chịu thời tiết thông qua bảo hiểm theo chỉ số; Quan hệ đối tác giữa Symmetry, Công ty Cổ phần Tôm Miền Nam, Liên minh Tôm sạch và bền vững Việt Nam và Chính phủ Úc nhằm mở rộng mô hình nuôi tôm rừng ngập mặn thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.

Quan hệ đối tác giữa Chính phủ Australia, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu và Bảo tồn Mekong (MCF) và Công ty cổ phần Đồ dùng gia đình Việt Nam nhằm tạo sinh kế bền vững với cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu; Quan hệ đối tác giữa Chính phủ Úc và New Energy Nexus với sáng kiến Thúc đẩy kinh doanh nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu dành cho phụ nữ.

Bà Sarah Hooper cho biết, Chương trình Đối tác thích ứng biến đổi khí hậu có mục tiêu thúc đẩy các mô hình phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Hoạt động này giúp cho phụ nữ vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thêm điều kiện phát triển sản xuất, gia tăng thu nhập một cách hiệu quả.
Australia dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển và thịnh vượng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương; trong đó có Việt Nam, hướng tới các mục tiêu bền vững. Kể từ năm 2000 đến nay, Chính phủ Australia đã đầu tư vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 650 triệu AUD, nhằm nâng cao cơ sở hạ tầng, thúc đẩy thu hút đầu tư, nhân lực, đổi mới sáng tạo; trong đó có hai công trình điểm nhấn là cầu Mỹ Thuận và cầu Cao Lãnh.
Ngoài ra, Australia đã triển khai Chương trình “Đối tác Mekong – Australia”, chú trọng vào các lĩnh vực an ninh nguồn nước, năng lượng, biến đổi khí hậu, với tổng gói hỗ trợ trị giá 94,5 triệu AUD. Tổng Lãnh sự quán Australia tại Tp. Hồ Chí Minh đã và đang triển khai các chương trình hỗ trợ trực tiếp (DAP) tại Cần Thơ ở lĩnh vực nước sạch nông thôn, xây dựng cầu nông thôn, hỗ trợ học bổng cho sinh viên và giáo viên; giúp Cần Thơ phát triển kinh tế – xã hội, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Với mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài, Australia sẽ thúc đẩy việc hợp tác với Cần Thơ phát triển nông nghiệp công nghệ cao thông qua Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, Việt Nam và Australia xác lập quan hệ ngoại giao vào ngày 26/02/1973, thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2009. Đến năm 2018, hai nước chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Cho đến nay, quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố với mức độ tin cậy ngày càng gia tăng. Hợp tác an ninh, quốc phòng ngày càng hiệu quả; Hợp tác kinh tế – thương mại phát triển mạnh. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia, trong khi đó Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam. Đặc biệt, các lĩnh vực hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng cũng là những lĩnh vực mà hai bên quan tâm thúc đẩy.
Đây là cơ sở nền tảng vững chắc để thành phố Cần Thơ nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung thúc đẩy các chương trình hợp tác với Australia. Tại Cần Thơ, việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội được xác định là một khâu đột phá, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả canh tác và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, Cần Thơ chào đón và tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Australia tìm hiểu cơ hội đầu tư trong lĩnh vực này.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, thông qua Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia, Chính phủ Australia đã hợp tác cùng Việt Nam trong phát triển các giống mới có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Hai bên còn triển khai các dự án đảm bảo mang lại nguồn lợi và an toàn cho các vùng bờ biển, vùng ngập mặn. Trường Đại học Cần Thơ đã phối hợp cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo của Australia thương mại hóa các công trình nghiên cứu, hướng tới giá trị của các công trình không chỉ nằm ở phòng thí nghiệm mà còn phát huy tối đa hiệu quả trong thực tế đời sống, mang lại các lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Để triển khai Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030″, Cần Thơ mong muốn các doanh nghiệp Australia tìm hiểu, đầu tư vào một số lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo quản và chế biến nông sản, thủy sản; hạ tầng phục vụ phát triển đô thị thông minh…
Cùng ngày, Tổng lãnh sự quán Australia đã phối hợp với thành phố Cần Thơ tổ chức hoạt động trồng cây lưu niệm, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Australia.
Ánh Tuyết

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here