Ấn Độ, Indonesia sẽ là các nền kinh tế hàng đầu vào năm 2050

0
114

Theo một nghiên cứu mới nhất của PwC có tiêu đề “Thế giới năm 2050: trật tự kinh tế toàn cầu năm 2050 sẽ ra sao?”, PwC đã đưa ra dự báo cho 32 nền kinh tế hàng đầu thế giới, hiện đang chiếm 85% GDP toàn cầu. Nghiên cứu chỉ ra rằng, năm 2042, kinh tế thế giới có thể sẽ tăng gấp đôi giá trị hiện tại nếu duy trì tốc độ tăng trưởng chủ yếu đến từ các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. PwC dự báo, tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2016-2050 của E7 (7 nền kinh tế mới nổi bao gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ ở mức 3,5% trong khi các nước G7 là 1,6%.

Theo các dự báo, 6/7 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050 sẽ là các quốc gia đang được coi là mới nổi. Ngoài việc Trung Quốc vượt qua Mỹ, kinh tế Ấn Độ cũng vượt qua kinh tế Mỹ và đứng thứ hai sau Trung Quốc, trong khi Indonesia và Mexico sẽ vượt qua Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp, và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thế chỗ Italia.

Tại Châu Phi, Nigeria sẽ là quốc gia phát triển nhanh nhất với khả năng chiếm vị trí thứ 14 vào năm 2050, nhưng để đạt điều này thì Nigeria cần phải từ bỏ sự phụ thuộc vào dầu mỏ và củng cố các tổ chức tài chính và cơ sở hạ tầng. Ba Lan và Colombia cũng dự kiến sẽ là ngôi sao sáng nhất ở khu vực Mỹ Latinh và EU. Về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam, Ấn Độ và Bangladesh sẽ là các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất, với tốc độ bình quân là 5%.

Tuy nhiên, GDP đầu người sẽ không có nhiều xáo trộn với việc thu nhập đầu người của nhóm G7 vẫn sẽ cao hơn nhóm E7 vào năm 2050. Các quốc gia mới nổi có thể sẽ thu hẹp khoảng cách với nhóm G7 về thu nhập đầu người nhưng vẫn chưa thể vượt qua. Trung Quốc lúc đó dự báo sẽ có thu nhập đầu người ở mức trung bình cao trong khi Ấn Độ vẫn ở mức trung bình thấp, bất chấp dự báo có tốc độ tăng trưởng cao. Điều này cho thấy, mặc dù dân số tăng có thể yếu tố thúc đẩy tăng trưởng GDP, sự chênh lệch giàu nghèo giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển vẫn sẽ duy trì một thời gian dài. Lý giải cho hiện tượng này, chuyên gia kinh tế trưởng của PwC ông Hawksworth cho rằng, sự chênh lệch về thu nhập giữa các quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là phụ thuộc vào công nghệ và sẽ tiếp tục ưu ái các quốc gia sở hữu công nghệ tiên tiến và tư bản. Chính vì thế, mặc dù sự chênh lệch có giảm đi nhưng thu nhập bình quân đầu người của Mỹ vẫn gấp đôi Trung Quốc và gấp ba lần Ấn Độ vào năm 2050.

Theo Finanza Online

(Nguồn: ĐSQVN tại Italia)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here