54% doanh nghiệp Đức muốn tiếp tục mở rộng đầu tư ở Việt Nam

0
94
Hơn 3.500 doanh nghiệp Đức trên toàn cầu đã tham gia đánh giá và đưa ra nhận định của chính doanh nghiệp họ về sự phát triển của thị trường nước sở tại.

Ngày 13/11, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Việt Nam) công bố cuộc khảo sát thường niên AHK World Business Outlook của Hệ thống các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức trên toàn thế giới (AHKs) về nhận định của doanh nghiệp Đức trên toàn thế giới và Việt Nam về sự phát triển kinh tế trong hiện tại và tương lai.

Hơn 3.500 doanh nghiệp Đức trên toàn cầu đã tham gia đánh giá và đưa ra nhận định của chính doanh nghiệp họ về sự phát triển của thị trường nước sở tại.

AHK World Business Outlook được tiến hành 2 lần/năm với sự tham gia của các doanh nghiệp Đức trên toàn thế giới. Tại cuộc khảo sát vào cuối năm 2018 này (diễn ra vào cuối tháng 9, đầu tháng 10), hơn 3.500 doanh nghiệp Đức trên toàn cầu đã tham gia đánh giá và đưa ra nhận định của chính doanh nghiệp họ về sự phát triển của thị trường nước sở tại, về doanh nghiệp của họ cũng như những dự định trong tương lai.

Doanh nghiệp Đức lo ngại về chính sách kinh tế toàn cầu

Nền kinh tế toàn cầu cuối cùng cũng đã được vực dậy và tăng trưởng. 5.100 công ty Đức trên toàn thế giới đều đánh giá rằng doanh nghiệp của họ có mức tăng trưởng tốt hơn mùa thu năm ngoái, dựa vào sự phát triển mạnh mẽ vào cuối năm 2017.

Ngoài ra họ cũng nhận định lạc quan về sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai, họ muốn tiếp tục mở rộng đầu tư quốc tế và tuyển thêm nhân sự. Rất ít doanh nghiệp cho rằng nguồn cung là một trong những yếu tố mang lại gây ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp của họ.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Đức có xu hướng cho rằng, những yếu tố bất ổn liên quan tới chính trị đang ngày càng gia tăng một cách rõ rệt: Những quan ngại ngày càng lớn về chính sách kinh tế toàn cầu. Cứ 2 doanh nghiệp được hỏi thì 1 doanh nghiệp đều lo lằng về những chính sách kinh tế của nước bản địa. Những rào cản khi tiếp cận thị trường, những xung đột về thương mại, những lệnh trừng phạt mới được ban hành – chủ nghĩa bảo hộ ngày càng ang mạnh, dưới góc nhìn của các doanh nghiệp Đức trên toàn cầu.

Những sự bất ổn đặc biệt phải kể tới Brexit, những khủng hoảng địa chính trị ở Trung Đông, ở Nga và Ucraina cũng như mối quan hệ đang ngày càng trở nên xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc. Doanh nghiệp Đức cũng tỏ ra quan ngại sâu sắc với tính chắc chắn trong hệ thống pháp lý của nước sở tại.

Về khu vực châu Á – Thái Bình Dương, kết quả cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng, sự tăng trưởng kinh tế tại khu vực được nhận định tương đối tốt. Tuy vậy, những kỳ vọng của doanh nghiệp Đức tại đây không còn quá cao như hồi đầu năm 2018.

Theo như nhận định của doanh nghiệp Đức, sự phát triển của nền kinh tế tại đây sẽ chậm lại do việc điều chỉnh tăng lãi suất của Mỹ cũng như ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.

Vai trò của Việt Nam trong thương mại quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh

Theo Báo cáo, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục cho thấy một sự phát triển mãnh mẽ với mức tăng trưởng hơn 6%. Một trong những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng này chính là ngành công nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu, khi mà Việt Nam ngày càng gia nhập sâu vào thương mại quốc tế, thể hiện ở việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do với EU hay Hiệp định CPTTP, trong đó cả hai sẽ đều có hiệu lực trong một tương lại gần.

Các Hiệp định này sẽ góp phần tăng trưởng xuất khẩu và qua đó vai trò của Việt Nam trong thương mại quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Mặt khác, sự tăng trưởng nở rộ của ngành dịch vụ cũng đang thúc đấy sự tăng trưởng kinh tế. Những thách thức hiện tại của Việt Nam là nợ công đang tăng lên và sự thiếu hụt về lao động chất lượng cao.

Theo kết quả cho thấy, kỳ vọng của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam tương đối khả quan, với 54% doanh nghiệp Đức muốn tiếp tục mở rộng đầu tư tại đây trong vòng 12 tháng tới và 52% muốn tuyển thêm nhân sự tại nhà máy của mình.

Theo Trưởng Đại diện GIC/AHK Việt Nam, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam Marko Walde, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, đồng thời việc kết thúc đàm phán với EU về Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) đã tiếp tục tạo đà phát triển kinh tế cho Việt Nam. Sự ký kết EVFTA sẽ là một dấu hiệu khả quan, một minh chứng cho xu hướng thương mại tự do và dựa trên nguyên tắc, cũng như thông lệ quốc tế.

Việt Nam là đối tác quan trọng của châu Âu và Đức trong khối ASEAN. Ngoài ra, từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung,  các doanh nghiệp cũng đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất của mình sang các quốc gia lân cận Trung Quốc để tránh những biện pháp tăng thuế đang được áp dụng trong cuộc tranh chấp này.

Tuy nhiên, hành lang pháp lý dành cho đầu tư và kinh doanh cũng như thiếu vắng nguồn nhân lực chất lượng cao đang là những thách thức lớn dành cho các nhà đầu tư Đức tại Việt Nam.

Ngô Toàn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here