5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 305,1 tỷ USD, tăng 15,6%

0
50
(Internet)

Thông tin do Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/5, trong tháng 5/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 62,69 tỷ USD, giảm 4,7% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,1 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 16,3%; nhập khẩu tăng 14,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 516 triệu USD.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,25 tỷ USD, giảm 7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,23 tỷ USD, giảm 9,1%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2022, tăng 16,4%; trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 14,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 17,1%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 40,25 tỷ USD, tăng 20,8%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 112,56 tỷ USD, tăng 14,8%, chiếm 73,7%.

Theo nhận định của các chuyên gia, với con số thực tế này, mục tiêu cán ngưỡng kim ngạch xuất nhập khẩu 700 tỷ USD trong năm nay ngày càng khả thi khi các số liệu thống kê cho thấy, thương mại hàng hóa của Việt Nam tiếp tục xu hướng tích cực.

Trong 5 tháng đầu năm 2022 có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 62,3%

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 88,6%, giảm 0,5 điểm phần trăm; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,9%, giảm 0,5 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 3,1%, tăng 0,6 điểm phần trăm.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 32,21 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 12,03 tỷ USD, tăng 6,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 20,18 tỷ USD, giảm 4,8%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Năm tăng 12,9%; trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 15,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,4%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,29 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 53,36 tỷ USD, tăng 14,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98,93 tỷ USD, tăng 14,9%.

Trong 5 tháng đầu năm 2022 có 28 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 85,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,9%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,8%, giảm 0,3 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,1%, giảm 0,1 điểm phần trăm.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 46,7 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 49,6 tỷ USD.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 13,4 tỷ USD, tăng 43,6% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 27,1 tỷ USD, tăng 15,5%; nhập siêu từ Hàn Quốc 17,9 tỷ USD, tăng 46,6%; nhập siêu từ ASEAN 6,5 tỷ USD, tăng 6,4%; nhập siêu từ Nhật Bản 742 triệu USD, tăng 18,2%.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 516 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,24 tỷ USD); trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 13,11 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,63 tỷ USD.

Để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới, Bộ Công Thương lưu ý các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài, cân nhắc thấu đáo trong lựa chọn các ngân hàng thanh toán trong bối cảnh cấm vận. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các ưu đãi trong 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hóa thị trường. Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ tại các nước châu Âu có trách nhiệm cao nhất trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đang có gặp khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu với Nga và Ukraine để tìm cách chuyển hướng sang các thị trường phù hợp tại châu Âu.

Trước đó, số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2022 (từ ngày 1/5 đến ngày 15/5/2022) đạt 28,34 tỷ USD, giảm 15,6% (tương ứng giảm 5,3 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 4/2022. Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 5/2022 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/5/2022 đạt 270,56 tỷ USD, tăng 15,4%, tương ứng tăng 36,01 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 187,3 tỷ USD, tăng 14,3% (tương ứng tăng tới 23,44 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 83,26 tỷ USD, tăng 17,8% (tương ứng tăng 12,57 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/5/2022, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 223 triệu USD.

Về xuất khẩu, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5 năm 2022 đạt 12,82 tỷ USD, giảm 28,6% (tương ứng giảm 5,13 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 4/2022.

Như vậy, tính đến hết 15/5/2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 135,2 tỷ USD, tăng 15,5% tương ứng tăng 18,18 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,61 tỷ USD, tương ứng tăng 13,1%; hàng dệt may tăng 2,32 tỷ USD, tương ứng tăng 21,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 1,76 tỷ USD, tương ứng tăng 13,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,78 tỷ USD, tương ứng tăng 10%;… so với cùng kỳ năm 2021.

Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2022 đạt 15,52 tỷ USD, giảm nhẹ 0,6% (tương ứng giảm 96 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 4/2022.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 5/2022 giảm so với kỳ 2 tháng 4/2022 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 400 triệu USD, tương ứng giảm 10,8%; dầu thô giảm 146 triệu USD, tương ứng giảm 40,7%…

Bên cạnh đó, có một số nhóm hàng tăng như: xăng dầu các loại tăng 116 triệu USD, tương ứng tăng 31,7%; thức ăn gia súc nguyên liệu tăng 114 triệu USD, tương ứng tăng 57,1%…

Thúy Hiền

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here