2021: Năm tái khởi động

0
76
(Internet)
(Internet)

Vắc-xin và một nền kinh tế “gần bình thường”

Trước tiên, nền tảng của tái khởi động là hồi phục hoạt động kinh tế – xã hội. Kinh tế thế giới sẽ hồi phục, bất kể là nó sẽ hồi phục từ giữa năm 2021 hay trễ hơn theo các dự báo khác nhau, bởi đã có vắc-xin và sắp tới là thuốc chữa trị.

Trái với điều mà nhiều tờ báo đại chúng tranh cãi về miễn dịch cộng đồng, với nền kinh tế và thị trường đầu tư, cái mà họ cần ít hơn nhiều: chỉ cần tái lập di chuyển, không bị gián đoạn chuỗi cung ứng và không phong tỏa. Họ không cần miễn dịch cộng đồng được thiết lập (có thể cần đến 70-90% dân số được tiêm vắc-xin để thỏa mãn điều đó). Họ chỉ cần số ca bệnh được kéo xuống mức mà hệ thống y tế có thể chống chịu để hoạt động kinh tế được về trạng thái “gần bình thường”. Như vậy là sẽ có hồi phục kinh tế.

Nhưng một nền kinh tế như vậy sẽ không bao giờ giống trước đây. Vì nền kinh tế này chỉ “gần bình thường”, và miễn dịch cộng đồng phải mất thời gian dài mới đạt được, dù đã có vắc-xin. Do đó, giãn cách xã hội, cách ly cục bộ mỗi khi số ca bệnh tăng mạnh, mua sắm trên mạng và làm việc tại nhà vẫn sẽ là xu hướng.

Xu thế này sẽ tác động đến mỗi nền kinh tế. Với những nước như Anh và châu Âu, chỉ cần số ca bệnh về còn dưới 2.000 ca mỗi ngày, nền kinh tế có thể quay về vận hành ở mức gần bình thường như trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8/2020, vì hệ thống y tế của họ đã có nhiều kinh nghiệm và khả năng ứng phó với quy mô ca bệnh như vậy. Với sự trợ giúp của vắc-xin, hoạt động kinh tế diễn ra gần bình thường với một số quy tắc giãn cách xã hội sẽ giữ số ca bệnh ở dưới khả năng ứng phó của hệ thống y tế.

Ai đó sẽ gọi đây là một tình trạng “bình thường mới”, nhưng tôi muốn gọi nó là “gần bình thường” hơn, bởi nó không phải là bình thường với một số nước. Ví dụ, vài ngàn ca bệnh một ngày vẫn là quá cao so với tiêu chuẩn một số nước châu Á, như Việt Nam. Liệu các nước này có dám mở cửa và chấp nhận một lượng lớn người nước ngoài nhập cảnh khi những người nước ngoài đó có thể mang mầm bệnh?

Vì vậy, trong khi người châu Âu và Mỹ có thể phấn khởi và tái khởi động nền kinh tế bị phong tỏa nặng nề và tăng trưởng âm của mình, thì người châu Á có thể vẫn sẽ phải mở cửa nền kinh tế của mình với thế giới bên ngoài một cách chậm chạp và thận trọng. Hồi phục hình chữ V mà người ta nghĩ đến cho các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á có thể sẽ không đến nhanh như nhiều người tưởng, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm.

Một số nền kinh tế như Việt Nam, Trung Quốc, Lào và vài nước châu Phi có tăng trưởng dương trong năm 2020. Nhưng kỳ vọng họ tăng trưởng gấp đôi mức của năm 2020 như một số dự báo có thể sẽ là quá lạc quan nếu không có sự giúp sức của miễn dịch cộng đồng đạt được qua vắc-xin. Mà cho đến lúc này, khả năng có vắc-xin cho một bộ phận lớn dân cư ở những nước này là không rõ ràng.

Nói cách khác, tái khởi động nhiều khả năng sẽ xảy ra ở những nơi bị Covid-19 tàn phá dữ dội nhất như ở châu Âu và Mỹ, do họ có dư địa để giảm số ca từ hàng chục ngàn ca một ngày xuống mức mà hệ thống y tế của họ có thể chịu đựng được. Với các nước châu Á có ít ca bệnh hơn, họ vốn dĩ không cần tái khởi động, nhưng có thể bay cao hay không lại vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm 2021. Việc dịch bệnh bùng phát lại ở một số nước châu Á vào cuối tháng 12/2020 là một lời cảnh báo.

Ba trụ cột của tái khởi động

Dù sao đi nữa, đến nửa cuối năm 2021, người viết kỳ vọng một đợt tái khởi động kinh tế sẽ định hình ít nhiều ở châu Âu và Mỹ. Khi đó, nó sẽ bắt đầu tác động tích cực đến dòng vốn và triển vọng kinh tế toàn cầu.

Vì sao vậy? Vì đây là những thị trường tiêu thụ lớn và khi họ có thể vận hành ở trạng thái gần bình thường và lập ra những quy tắc mới cho cuộc sống đó, thì nhu cầu nhập khẩu, di chuyển và tạo lập những chuỗi cung ứng mới sẽ tăng lên. Nó sẽ tạo ra một cú hích với hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ du lịch và giá thương phẩm (như dầu thô, kim loại dùng trong công nghiệp) ở các thị trường mới nổi.

Sẽ có 2 động lực tăng trưởng được tạo ra từ xu thế tái khởi động này.

Thứ nhất, khi các thị trường tiêu thụ này tái khởi động, sức sống của các nền kinh tế đang phát triển sẽ bật lên mạnh mẽ hơn nữa. Đơn hàng dệt may, nông sản, thương phẩm và có thể là cả hoạt động hàng không quốc tế và du lịch sẽ được khôi phục một phần. Tận dụng được đến mức nào là phụ thuộc vào khả năng “sống chung với dịch” của từng nền kinh tế mới nổi. Những nền kinh tế kiên quyết “sạch bóng virus”, vốn dĩ là điểm sáng của 2020, có thể sẽ gặp trục trặc trong việc bắt kịp với xu thế “sống chung với dịch”, nếu họ không thay đổi kịp thời cách tiếp cận.

Thứ hai, dù người ta nhìn nhận rằng, dòng vốn quốc tế sẽ quay lại thị trường mới nổi trong năm 2021, nhưng không nên quên rằng, những nền kinh tế phát triển cũng đang đứng trước một cơ hội đổi mới lớn lao trong hơn một thập kỷ: những gói chi tiêu tái thiết nền kinh tế hàng trăm tỷ USD ở châu Âu hoặc kỳ vọng đến hàng ngàn tỷ USD ở Mỹ.

Ba trụ cột của đợt tái khởi động này là một thế giới “xanh hơn, thông minh hơn và công bằng hơn”, theo phát biểu của Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Đây cũng là những chủ đề sẽ quyết định xu thế hồi phục kinh tế và dòng tiền trên thị trường tài chính. Với các mục tiêu hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu, đạt trung lập về khí thải carbon, nhiều hoạt động chi tiêu như mua xe chạy bằng xăng, các sản phẩm nông nghiệp và gia dụng gắn liền với ô nhiễm môi trường sẽ bị cắt giảm mạnh.

Dòng tiền sẽ đổ nhiều vào các khoản đầu tư năng lượng mới, xe chạy bằng năng lượng ít ô nhiễm hơn. Nước Anh đã cho thấy quyết tâm này khi tuyên bố sẽ không cho phép bán xe mới sản xuất chạy hoàn toàn bằng xăng hoặc dầu diesel vào năm 2030 và đẩy mạnh đầu tư cho sản xuất các thế hệ xe mới sử dụng kết hợp xăng với một năng lượng sạch hơn. Trong khi đó, Nhật Bản dự kiến đạt được mục tiêu tương tự sau Anh vài năm.

Những khoản đầu tư đó dự kiến sẽ đổi mới hạ tầng, thúc đẩy vốn đầu tư vào công nghệ mới và tạo ra việc làm ở những nền kinh tế đang không có sự thay đổi đáng kể về năng suất lao động. Họ kỳ vọng, những khoản đầu tư tái thiết kinh tế sẽ giải phóng nhiều nguồn lực sáng tạo mới, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn, nhằm tăng năng suất của xã hội, thoát khỏi bẫy năng suất thấp nhiều năm qua.

Song song với tiến trình đầu tư vào một nền kinh tế xanh và hạn chế biến đổi khí hậu, thì đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, số hóa nền kinh tế và tận dụng năng lực của dữ liệu lớn, làm việc linh hoạt cũng sẽ tạo ra nhiều thay đổi. Hạ tầng cơ sở dữ liệu “trên mây”, an ninh mạng và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để đẩy nhanh năng suất lao động, tiết kiệm chi phí cũng dự kiến tạo ra một cú hích mới cho kinh tế các nước giàu.

Những từ ngữ trên có thể là đao to búa lớn, nhưng nếu nghĩ đơn giản rằng, nếu một ngày bạn chỉ cần gõ vài chữ là có thể có ngay một email đã soạn sẵn theo những từ khóa mà bạn muốn (như thư giới thiệu sản phẩm, thư yêu cầu một dịch vụ…) và chỉ phải chỉnh sửa vài chi tiết rồi gửi đi, thì đó chính là sự cải thiện năng suất mà trí tuệ nhân tạo mang lại. Hoặc nếu như một ngày nào đó, trợ lý ảo của các công ty công nghệ lớn thông minh đến mức đọc qua email của bạn và tự tạo nhắc nhở bạn về công việc cần làm trong ngày, hay đề xuất một lịch trình làm việc cho bạn để bạn chỉ chỉnh sửa những gì mà trợ lý ảo đã tạo ra, thì có ngay một lịch làm việc hoàn hảo mà bạn muốn. Hoặc các bác sĩ sẽ ngày càng được hỗ trợ nhiều hơn với những gợi ý chẩn đoán bệnh qua máy tính do trí tuệ nhân tạo đưa ra và nhập sẵn lên các hệ thống theo dõi bệnh.

Đến hiện tại, những công nghệ đó vẫn chưa đủ thông minh. Và tôi chả mấy khi để trợ lý ảo của mình tự lên lịch nhắc nhở mình. Thế nhưng, chỉ vài năm nữa, nếu mức đầu tư vào trí tuệ nhân tạo và hạ tầng dữ liệu lớn đủ mạnh, tôi tin rằng, điều này sẽ thành sự thật.

Điều cuối cùng là, tăng trưởng về kinh tế và năng suất do đầu tư vào kinh tế xanh và công nghệ mới sẽ không đem lại điều gì tốt đẹp, nếu bất bình đẳng xã hội tiếp tục bị gia tăng. Rõ ràng, Covid-19 đang tác động nặng nề lên tầng lớp lao động bình dân và có thu nhập thấp. Nhiều người giàu có đang có một năm đầu tư cổ phiếu mua gì cũng thắng, “một năm thăng hoa”. Giá nhà của nhiều nền kinh tế như Anh, Mỹ có mức tăng mạnh nhất trong vòng nửa thập kỷ, trong khi mức đăng ký trợ cấp thất nghiệp lần đầu thì cao nhất kể từ khủng hoảng 2007 – 2009. Sự tách biệt giữa nền kinh tế thực với giá tài sản là một điều ai cũng nhìn thấy trong năm 2020.

Đợt tái khởi động sắp tới phải tìm ra giải pháp để thu hẹp điều đó. Đây lại là trụ cột có những gợi ý ít rõ ràng nhất. Có lẽ là vì yếu tố chính trị và lợi ích nhóm sẽ chi phối nó nhiều hơn là những phân tích kinh tế về chi phí và lợi ích. Cũng có thể bởi vì một xã hội công bằng hơn không đem lại nhiều giá trị cho những người đã chi nhiều tiền để lobby chính sách. Thế nhưng, nếu như tầng lớp lao động ngày một tụt lại, cái giá phải trả trong tương lai sẽ lớn hơn.

Các định chế quốc tế và các nước giàu ý thức được điều đó trong chương trình khôi phục kinh tế của mình. Và Việt Nam cũng phải như vậy. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng từng nói “không để ai tụt lại phía sau trong tiến trình phát triển”.

(Hồ Quốc Tuấn (Giảng viên Đại học Bristol (Anh)/baodautu.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here