HỒ SƠ THỊ TRƯỜNG

Ô-XTRÂY-LI-A

Trang chủ / Hồ sơ thị trường / Hồ sơ thị trường Ô-xtrây-li-a

Tổng quan tình hình nền kinh tế

Tình hình phát triển kinh tế những năm gần đây

Úc là một nền kinh tế mở, năng động và hội nhập hoàn toàn vào thương mại khu vực và toàn cầu. Nền kinh tế của nước này đã tăng trưởng trong 26 năm liền (1992-2017), và vẫn đang tiếp tục đà tăng trưởng.

Trong những năm gần đây và dự báo trong năm tới, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, kéo theo sự giảm nhẹ trong tăng trưởng của Úc, nhưng kinh tế Úc không có dấu hiệu rơi vào khủng hoảng nhờ có những yếu tố nội tại làm bệ đỡ,

Tiêu dùng là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế: Nền kinh tế Úc chủ yếu và trước hết là dựa vào tiêu dùng, chiếm 63% tổng mức doanh thu toàn xã hội, trong đó tiêu dùng của hộ gia đình chiếm gần một nửa tổng mức doanh thu toàn xã hội (48%), tiêu dùng của chính quyền Liên bang chiếm 6%, và tiêu dùng của chính quyền các Bang và lãnh thổ chiếm 9%. Trong suốt 6 thập kỷ qua, mức tiêu dùng liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước, chưa có năm nào giảm. Đây là nguyên nhân chính lý giải vì sao kinh tế Úc phát triển liên tục mà không bị suy thoái cho dù kinh tế thế giới trải qua các đợt khủng hoảng kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế không quá lệ thuộc vào đầu tư: Tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội là khá thấp, chỉ chiếm 21% tổng mức doanh thu toàn xã hội, trong đó, vốn đầu tư khu vực tư nhân cho sản xuất chiếm 11%, vốn đầu tư cho nhà ở chiếm 6%, và 4% là vốn đầu tư của nhà nước hay còn gọi là của Chính phủ. Mặc dù trong 3-4 năm qua, ngành khai khoáng của Úc gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn không làm cho nền kinh tế Úc rơi vào suy thoái. Theo đánh giá, tổng mức vốn đầu tư giảm khoảng 8% trong năm tài chính 2017-2018 thì mới có thể đẩy nền kinh tế Úc đi vào suy thoái. Ngay cả khi gặp khó khăn, Chính phủ Úc cũng sẽ có đủ điều kiện để tăng mức đầu tư, hiện chỉ mới chiếm 4%, trong đó có đầu tư cho cơ sở hạ tầng để ngăn chặn suy thoái xảy ra.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng đều đặn với mức tăng 6%/năm: Mặc dù xuất khẩu hàng hóa sụt giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó có xuất khẩu dịch vụ giáo dục và du lịch, nên tổng kim ngạch vẫn tiếp tục tăng, bất chấp những khó khăn nội tại của nền kinh tế Úc và kinh tế thế giới.

Một số chỉ số cơ bản về kinh tế

Một số ngành kinh tế trọng điểm

  • Dịch vụ: chiếm 65% GDP
  • Khai khoáng: chiếm 13,5% GDP
  • Sản xuất: chiếm 11% GDP
  • Xây dựng: chiếm 9,5% GDP
  • Nông nghiệp: chiếm 2% GDP

Thông tin về xuất nhập khẩu

Một số mặt hàng và dịch vụ có kim ngạch xuất khẩu lớn của Úc

Một số mặt hàng và dịch vụ có kim ngạch nhập khẩu lớn của Úc

Một số thị trường xuất khẩu lớn của Úc

Một số thị trường nhập khẩu lớn của Úc

Một số nét chính về chính sách kinh tế, thương mại

Định hướng lớn trong chính sách thương mại

Chủ trương về xuất khẩu hay ưu tiên khai thác thị trường trong nước:

Với các chính sách hợp lý và hiệu quả, Chính phủ Úc chủ trương kết hợp cả hai hình thức này do xuất khẩu và tiêu dùng nội địa là hai yếu tố chính giúp Úc duy trì tăng trường kinh tế.

Các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên:
  • Năng lượng (đặc biệt là năng lượng tái tạo) và khai khoáng
  • Nông nghiệp và chế biến thực phẩm
  • Dịch vụ về giáo dục, du lịch, kỹ thuật, y tế…
Các đối tác thương mại ưu tiên:

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Mặc dù, kinh tế của Úc không phụ thuộc quá nhiều đầu tư nước ngoài, nhưng kinh tế Úc vẫn ít nhiều phụ thuộc vào một số đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật… đặc biệt là Trung Quốc. Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế Úc, nếu kinh tế Trung Quốc không thể đứng vững, chỉ trong vòng hai năm tới, thu nhập quốc dân, thu nhập của hộ gia đình, doanh nghiệp, chính phủ Úc sẽ mất khoảng 140 tỷ AUD. Ngoài ra, Úc cũng sẽ mất 500.000 việc làm, đồng AUD sẽ mất giá tới 15% so với đồng USD, ngân sách liên bang năm 2019-2020 mất 40 tỷ AUD, giá nhà giảm 9%, thị trường chứng khoán giảm 17%. Tổng cộng, nền kinh tế Úc có thể mất tới hàng nghìn tỷ AUD nếu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới “đổ bệnh”. Do vậy, để tránh nền kinh tế suy giảm khi phụ thuộc quá nhiều vào vài đối tác quan trọng, gần đây Chính phủ Úc ưu tiên mở rộng thị trường sang Ấn Độ, các nước ASEAN, thậm chí mở rộng quan hệ thương mại với các nước Mỹ La tinh. Ngoài việc thúc đẩy hiệp định CPTPP, RCEP, gần đây Chính phủ Úc đã tuyên bố khởi động tiến trình đàm phán thoả thuận thương mại (FTA) với Liên minh Thái Bình Dương – Khối thương mại Mỹ La tinh gồm các nước Mexico, Chile, Peru, và Colombia. Liên minh này có tổng sản phẩm quốc nội hơn 1.800 tỷ USD, chiếm 38% dân số khu vực Mỹ La tinh và 57% tổng sản lượng  nhập khẩu của khu vực này.

Chính sách tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh

Chính phủ Úc thực hiện rất nhiều chính sách tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ xuất khẩu thông qua các thể chế, chính sách bao gồm:

  • Thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế, hỗ trợ xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài.
  • Hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua việc thành lập các cơ quan/tổ chức như Cơ quan Thương mại Úc (Austrade), Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (ACIAR), Quỹ Hỗ trợ tài chính cho các nhà xuất khẩu Úc (EFIC), Quỹ Phát triển thị trường xuất khẩu (EMDG)… Các cơ quan này có nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp Úc xuất khẩu như hướng dẫn xây dựng kế hoạch xuất khẩu, hỗ trợ tài chính cho xuất khẩu, xây dựng mạng lưới các nhà xuất khẩu Úc, thiết lập mối quan hệ với các nhà nhập khẩu nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp quản lý rủi ro trong hoạt động xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu hoặc dự án đầu tư ra nước ngoài với doanh thu từ 150 triệu AUD/năm trở lên, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ xuất khẩu hàng nông sản…
  • Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua chính sách (i) Đơn giản hóa thủ tục hành chính; (ii) Cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ SME; (iii) Nâng cao năng lực SME thông qua Quỹ đào tạo kỹ năng ngành và Chương trình dành cho doanh nhân để hỗ trợ quản lý kinh doanh, kết nối nghiên cứu và ý tưởng thương mại.
  • Hỗ trợ tìm nguồn tài chính, giảm thuế nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ tuyển dụng lao động, hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực…

Ngoài các chính sách hỗ trợ trên, các chính sách vĩ mô của Chính phủ Úc cũng tạo ra một môi trường kinh doanh, đầu tư an toàn và hiệu quả:

  • Chính sách tiền tệ: Chính phủ Úc chủ trương chính sách tiền tệ vừa phải đảm bảo góp phần thực hiện mục tiêu lạm phát trung hạn vừa phải phải làm sao cho không hạn chế hoạt động kinh tế một cách không cần thiết. Tỷ lệ lãi suất và tỷ giá hối đoái cần phải hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Tăng trưởng bền vững luôn gắn liền với việc duy trì áp lực lạm phát trong tầm kiểm soát. Khi xem xét áp lực lạm phát bên cạnh các chỉ số quan trọng như tốc độ tăng trưởng GDP hàng quý, chỉ số tiền lương, tốc độ tăng trưởng tín dụng, thuế suất, tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu thì Úc thường chú trọng đến biến động của Chỉ số giá sản xuất hay còn gọi là Chỉ số giá người sản xuất (Producer’s Price Index – PPI).
  • Chính sách tài khoá: Chính phủ Úc luôn ưu tiên các chương trình tạo việc làm và giúp tăng trưởng kinh tế. Để hỗ trợ khuyến khích đầu tư, Chính phủ thường xuyên đưa ra các gói hỗ trợ bằng cách cắt giảm thuế để tạo việc làm và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ, như: giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 2 triệu AUD, khấu trừ thuế khi mua tài sản doanh nghiệp…, trợ cấp lương cho các lao động mới được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng đầu tiên, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên…
  • Duy trì tỷ lệ lãi suất thấp: Để khuyến khích đầu tư trong nước, kích cầu tiêu dùng của hộ gia đình trong đó có khuyến khích cho vay đầu tư bất động sản, một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian gần đây, Úc luôn duy trì tỷ lệ lãi suất thấp.
  • Liên kết kinh tế/ mở rộng thị trường xuất khẩu: trong những năm gần đây, Chính phủ Úc đã tích cực đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do đối với các đối tác quan trọng. Nhờ các hiệp định này xuất khẩu sản phẩm có thể mạnh của Úc như khai thác mỏ, năng lượng và nông nghiệp của Úc tiếp cận vào các thị trường có FTA dễ dàng hơn.
Các FTAs đang tham gia
  • Hiệp định thành lập Khu vực Thương mại Tự do ASEAN- Úc – New Zealand (AANZFTA)
  • Hiệp định thương mại với Canada (CANATA)
  • Hiệp định thương mại tự do với Chile (ACI-FTA)
  • Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc (KAFTA)
  • Hiệp định đối tác kinh tế với Nhật Bản (JAEPA)
  • Hiệp định thương mại tự do với Malaysia (MAFTA)
  • Hiệp định thương mại tự do với Singapore (SAFTA)
  • Hiệp định thương mại về quan hệ kinh tế chặt chẽ với New Zealand
  • Hiệp định thương mại tự do với Thái Lan (TAFTA)
  • Hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ (AUSFTA)
  • Hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc (ChAFTA)
  • Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (chưa đi vào hiệu lực)
  • Hiệp định thương mại tự do với Peru (PAFTA) (chưa đi vào hiệu lực).
  • Hiệp định Thái Bình Dương về quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn (PACER) (chưa đi vào hiệu lực).

Các biện pháp phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật thường sử dụng

Các biện pháp phòng vệ thương mại được sử dụng nhiều nhất là: Chống bán phá giá và Chống trợ cấp.

Các hàng rào kỹ thuật chính đối với thương mại:
  • Quy định về kiểm dịch
  • Quy định về kiểm soát an toàn thực phẩm
  • Các tiêu chuẩn bắt buộc về an toàn sản phẩm
Các đối tác và mặt hàng bị áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại:

Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia là ba nước bị Úc kiện chống bán phá giá và trợ cấp nhiều nhất trong 5 năm gần đây. Các mặt hàng bị áp dụng nhiều nhất bao gồm các mặt hàng liên quan đến nhôm, thép, giấy in và hoa quả.

Số lượng các vụ kiện ra WTO, các đối tác và mặt hàng bị kiện:

Theo số liệu thống kê của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), trong mấy năm gần đây, Úc đã đưa 8 trường hợp ra WTO để giải quyết gồm:

Quan hệ kinh tế-thương mại với Việt Nam

Việt Nam và Úc hiện đã trở thành những đối tác kinh tế thương mại quan trọng của nhau. Hiện Việt Nam là 1 trong 15 nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất của Úc. Trong năm 2017, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Úc đạt 6,46 tỷ USD, tăng 22,1% so với năm 2016, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Úc đạt 3,3 tỷ USD, tăng 15,1%.

Về đầu tư: tính tới tháng 4/2018, Úc hiện có 416 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 1,8 tỷ USD, đứng thứ 20/126 nước và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Về giáo dục: hiện có khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam đang theo học ở Úc, đứng thứ ba sau Trung Quốc và Ấn Độ. Việt Nam đóng góp 1 tỷ trong tổng số 19 tỷ đô la Úc thu được từ giáo dục.

Về ODA: Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong các nước ASEAN nhận viện trợ từ Úc, sau Indonesia và Campuchia, với số tiền khoảng 86 triệu AUD

Một số Tuyên bố và Hiệp định quan trọng:

  • Hiệp định Thương mại và Hợp tác kinh tế (6/1990);
  • Hiệp định Khuyến khích và Bảo đảm đầu tư lẫn nhau (3/1991);
  • Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập (4/1992) và được bổ sung, sửa đổi tháng 11/1996);
  • Hiệp định thành lập Khu vực Thương mại Tự do ASEAN- Úc-Niu-di-lân (AANZFTA) (2/2009);
  • Tuyên bố chung Úc và Việt Nam nâng mối quan hệ lên tầm cao mới (3/2015);
  • Tuyên bố chung về Tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Úc (3/2015);
  • Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa Chính phủ Việt Nam và Úc (3/2018).
  • Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (3/2018).

Một số Thoả thuận và Bản ghi nhớ quan trọng:

  • Thỏa thuận Hợp tác Phát triển (5/1993);
  • Thỏa thuận Hợp tác trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ (9/1995);
  • Thỏa thuận Hợp tác về Giao thông vận tải (3/2007);
  • Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam với Hancock Coal của Úc về cung cấp than dài hạn cho Việt Nam (2010);
  • Biên bảo hợp tác giữa Chính quyền Bang Queensland và PVGas Việt Nam về cơ hội tham gia vào các dự án khí, dự án sản xuất LNG tại Queensland (11/2011);
  • Thoả thuận giữa PVCoal Việt Nam và Ensham Coal và Peabody về cung cấp 3 triệu tấn than/năm cho Việt Nam từ năm 2016 (2011);
  • Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia và Noble Group về việc cung cấp 3 triệu tấn than/năm (4/2013);
  • Thoả thuận khung giữa Tập đoàn Than Khoán sản Việt Nam và Công ty khai thác than Toyota Tusho Mining của Úc và Liên doanh New Hope về việc cung cấp than dài hạn (4/2013);
  • Thoả thuận khung giữa PVGas Việt Nam và British Gas Úc về việc cung cấp khí LNG (4/2013);
  • Hợp đồng khung giữa PVPower Việt Nam và Ensham Úc về việc cung cấp than dài hạn (4/2013);
  • Thoả thuận Chương trình lao động kỳ nghỉ (nhằm tạo điều kiện cho hợp tác lao động giữa Việt Nam và Úc đạt bước phát triển mới) (3/2015);
  • Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương và Hội đồng Kinh doanh Úc-Việt (2/2016);
  • Bản ghi nhớ về đẩy mạnh hợp tác trong Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Nghề cá (3/2018).
  • Bản ghi nhớ Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Bộ Công Thương với Cơ quan Thương mại và Đầu tư Bang Queensland (3/2018);
  • Bản ghi nhớ Hợp tác xúc tiến đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội đồng Hạt Wellington (3/2018);
  • Bản ghi nhớ Hợp tác xúc tiến đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội doanh nghiệp vùng Hunter (3/2018);
  • Bản ghi nhớ Hợp tác xúc tiến đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quỹ đầu tư Lighthouse Infrastructure (3/2018);
  • Bản ghi nhớ Hợp tác về hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu môi trường kinh doanh, chính sách pháp luật hỗ trợ kinh doanh của hai nước giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Úc (3/2018);
  • Bản ghi nhớ Hợp tác hỗ trợ xúc tiến kinh doanh của các doanh nghiệp trong Việt Nam – Úc và ASEAN giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội đồng doanh nghiệp Asean – Úc (3/2018);
  • Bản ghi nhớ Hợp tác thúc đẩy kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp Úc tại Việt Nam (3/2018);
  • Bản ghi nhớ hợp tác cung cấp, vận chuyển than từ Úc về Việt Nam cho các nhà máy sản xuất thép, xi măng và nhiệt điện… giữa Tổng Cty hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Công ty Năng lượng và Tài Nguyên Galaxy (3/2018);
  • Bản ghi nhớ Hợp tác thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp mắc ca giữa hai nước và trên thế giới giữa Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và Hiệp hội Mắc ca Australia (3/2018).

Tiềm năng của thị trường

Tôm tươi nguyên con

Việt Nam hiện là một trong bốn nhà cung cấp thủy sản lớn nhất cho thị trường Úc (sau Thái Lan, New Zealand và Trung Quốc), chiếm khoảng hơn 11% thị phần nhập khẩu tại thị trường này.

Trong các mặt hàng thủy sản thì tôm là mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất tại Úc. Lượng tiêu thụ tôm hàng năm lên tới 50.000-60.000 tấn. Úc nhập khẩu trung bình khoảng 40.000 tấn/năm và lượng cung cấp còn lại từ các nhà nuôi trồng và đánh bắt địa phương. Hiện tại, Úc là thị trường nhập khẩu tôm đứng thứ 16 trên thế giới, chiếm 1,5% tổng giá trị nhập khẩu tôm của toàn thế giới năm 2017. Nhu cầu nhập khẩu tôm từ thị trường khá lớn do sản lượng tôm đánh bắt và chế biến trong nước hạn chế vì nhân công cao và chiến lược ưu tiên xuất khẩu của các doanh nghiệp Úc. Tiêu thụ tôm tăng nhanh trong khi nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu.

Việt Nam đang là nước sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, trong khi người tiêu dùng Úc lại khá ưa chuộng tôm sú to. Hiện tại, Việt Nam là nguồn cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường Úc, chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị nhập khẩu tôm vào thị trường này, tiếp đến là Thái Lan (chiếm 25%), Trung Quốc (chiếm 24%), Malaysia (chiếm 9%), còn lại là các nước khác.

Trong 5 năm qua, Việt Nam luôn là nước cung cấp tôm chế biến lớn nhất cho Úc mặc dù tốc độ tăng trưởng không ổn định như xuất khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh. Tuy nhiên, số lượng các nước cung cấp tôm chế biến cho Úc giảm mạnh, từ 19 nhà cung cấp xuống 10 nước cung cấp sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp tục duy trì và mở rộng thị phần trên thị trường này.

Úc là một trong những nước có những qui định nghiêm ngặt về kiểm dịch đối với hàng hoá nhập khẩu để bảo vệ ngành nông nghiệp và môi trường thiên nhiên,nhằm tránh các tai họa và các loại bệnh ngoại lai.

Tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Úc, đặc biệt là hàng nông, lâm, thủy sản phải đáp ứng được các yêu cầu về an toàn sinh học và các mặt hàng thực phẩm thì phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Để có thể được nhập khẩu vào Úc, tôm và sản phẩm tôm nhập khẩu phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:

  • Tôm và sản phẩm tôm có xuất xứ từ quốc gia/vùng/cơ sở sản xuất được Úc công nhận sạch bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh đầu vàng (YHV), Hội chứng Taura (TSV) và bệnh hoại tử gan tuỵ do vi khuẩn (NHPB). Riêng bệnh NHPB chỉ áp dụng đối với sản phẩm chưa đông lạnh;
  • Tôm được bỏ đầu, bóc vỏ (trừ đốt đuôi cuối) và được kiểm tra, chứng nhận âm tính với bệnh WSSV và YHV;
  • Tôm được chế biến sâu (tẩm bột, bao bột, ướp bằng nước xốt ướt hoặc khô, được chế biến làm nhân bánh bao, bánh gối hay các sản phẩm tương tự);
  • Tôm được nấu chín.

Do Việt Nam chưa được công nhận là quốc gia/vùng/cơ sở sản xuất sạch bệnh WSSV, YHV, TSV, NHPB nên tôm xuất khẩu sang Úc phải áp dụng các quy định (b), (c), và (d). Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định này cũng không phải đơn giản. Việc kiểm dịch WSSV, YHV trong tôm tươi của Việt Nam xuất sang Úc được kiểm dịch riêng rẽ theo từng lô hàng, nếu kết quả dương tính (ngưỡng 0%) sẽ không được nhập vào Úc.

Một khó khăn nữa trong vấn đề này là các phòng lab của Úc kiểm virus theo phương pháp Real-time PCR, tức là kiểm ADN của virus, khi đó thì virus cho dù đã chết, chỉ còn lại xác vẫn bị coi là dương tính và bị trả hàng về. Phương pháp này rất ít phòng lab ở Việt Nam có thể kiểm tra được, do vậy doanh nghiệp không biết làm thế nào để có thể xuất được tôm đông lạnh tươi (raw frozen prawns) vào Úc, nên chỉ có thể xuất khẩu tôm đã luộc chín, hoặc tôm tẩm bột, tẩm gia vị mặc dù nhu cầu đối với mặt hàng này thấp hơn nhiều so với tôm tươi gây thiệt hại không nhỏ với ngành sản xuất và xuất khẩu tôm của Việt Nam. Đây có thể là nguyên nhân kỹ thuật gây ảnh hưởng đến việc đa dạng sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này.

Chính vì vậy, hiện nay, các bộ, ngành trong nước đang tích cực phối hợp với Đại sứ quán và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Úc đẩy nhanh việc vận động, đàm phán để Úc mở cửa cho tôm tươi nguyên con của Việt Nam. Việc này nếu thành công sẽ mang một ý nghĩa hết sức to lớn.

Thứ nhất, nhu cầu tôm tươi nguyên con tại Úc rất lớn, lớn hơn nhiều so với tôm chế biến. Do vậy, nếu mở cửa được mặt hàng tôm tươi nguyên con, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của chúng ta sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.

Thứ hai, Úc là một trong những nước có qui định ngặt nghèo nhất thế giới về an toàn sinh học và vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc Úc mở cửa cho tôm của chúng ta sẽ khẳng định chất lượng hàng Việt Nam, giúp việc đàm phán mở cửa mặt hàng này ở các nước khác được thuận lợi hơn. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ưu tiên việc đàm phán mở cửa các mặt hàng nông sản, thuỷ sản tại Úc.

Thứ ba, nếu muốn xuất khẩu sang thị trường Úc cũng như các thị trường khó tính khác, bà con nông dân cũng như các doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi cách làm, phải sản xuất theo đúng quy trình, quy chuẩn, dần dần sẽ tạo ra “thương hiệu” cho hàng nông sản, thuỷ sản của Việt Nam.

Việt Nam đã chính thức đề nghị Chính phủ Úc xem xét công nhận một số cơ sở sản xuất tôm của Việt Nam là sạch bệnh để tôm tươi nguyên con của Việt Nam từ các cơ sở này được cấp phép nhập khẩu vào Úc.

Đầu tháng 3/2017, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc đã cử đoàn công tác sang Việt Nam để kiểm tra, đánh giá qui trình, chất lượng sản xuất tôm của Việt Nam. Trong chuyến khảo sát này, các chuyên gia, cơ quan chuyên môn từ Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc đã có cái nhìn rất tích cực đối với ngành tôm Việt Nam. Theo đó, ngành tôm đã tiếp cận, ứng dụng nhiều giải pháp, công nghệ hiện đại trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm tôm Việt Nam được phía nhà nhập khẩu Úc đánh giá là rất tốt. Những đánh giá ban đầu về qui trình sản xuất an toàn, chất lượng đã cho thấy triển vọng xuất khẩu tôm nguyên con của Việt Nam sang Úc.

Hạt điều

Điều Việt Nam là mặt hàng đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu hạt điều của Úc, chiếm 2/3 tổng thị phần nhập khẩu. Tuy nhiên, chủng loại hạt điều xuất khẩu của Việt Nam sang Úc chủ yếu vẫn chỉ là hạt điều nhân. Trong khi đó trên thị trường, hạt điều nhân sau khi nhập khẩu được chế biến và đóng gói riêng hoặc kết hợp với các loại quả hạt khác rất phong phú trong các siêu thị, cửa hàng bán lẻ và các cửa hàng tiện lợi với giá bán cao hơn rất nhiều. Bởi vậy, nếu chúng ta muốn tăng kim ngạch mặt hàng này, cần khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu sản phẩm chế biến phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng để có thể mang lại giá trị gia tăng cao cho điều nhập khẩu từ Việt Nam, từ đó kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này cũng sẽ tăng cao.

Dệt may

Dệt may là mặt hàng rất tiềm năng do nhu cầu thị trường lớn và tăng trưởng liên tục, đặc biệt sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực.

Năm 2017, Úc nhập khẩu khoảng gần 7 tỷ USD các sản phẩm dệt may từ thế giới, nhưng mới chỉ nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 213 triệu USD. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may sang thị trường Úc hiện đang dưới 10% nhưng sự ra đời của Hiệp định CPTPP sẽ giúp cho Úc trở thành thị trường hết sức tiềm năng cho các sản phẩm dệt may của Việt Nam do thị trường còn nhiều dư địa để mở rộng.

Theo cam kết trong Hiệp định CPTPP, Úc sẽ:

  • Giảm thuế nhập khẩu về 5% ngay trong 3 năm đầu tiên khi Hiệp định có hiệu lực;
  • Giảm thuế nhập khẩu về 0% từ năm thứ tư kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực đối với hầu hết các sản phẩm thuộc nhóm HS6203, HS6204, HS6206;
  • Đối với nhiều sản phẩm thuộc nhóm HS6205, thuế nhập khẩu sẽ về 0% ngay từ năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực;

Trong khi đó, mức thuế nhập khẩu MFN đối với các sản phẩm này là 10%. Lộ trình giảm thuế đối với các sản phẩm trong nhóm HS6104, 6108, 6109, 6110, 6114 cũng tương tự như vậy, sẽ về 0% hoàn toàn vào năm thứ tư. Đối với các mặt hàng thuộc nhóm HS6302 và 6307 sẽ về 0% từ năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực (thuế MFN là 5%).

Thúc đẩy quảng bá sản phẩm trong đó có việc tăng cường tham dự hội chợ triển lãm là việc cần thiết để tăng các hợp đồng lớn và tăng kim ngạch xuất khẩu.  Mặc dù quy mô thị trường của Úc đối với hàng dệt may rất lớn nhưng đã một thời gian dài hàng dệt may có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm thị phần áp đảo. Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận thị trường Úc sớm hơn doanh nghiệp nước ta vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam không dễ cạnh tranh với hàng hóa xuất xứ Trung Quốc. Ngoài Trung Quốc thì Ấn Độ cũng tích cực đẩy mạnh thâm nhập thị trường Úc.

Để thâm nhập có hiệu quả hơn nữa đối với thị trường Úc, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cần tích cực quảng bá, tiếp cận thị trường mà còn cần hiểu đặc điểm của thị trường Úc là các đơn hàng khởi đầu với quy mô khá nhỏ để tìm hiểu khả năng của nguồn cung cũng như khả năng chấp nhận của thị trường. Có một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam đang bỏ qua thị trường Úc vì lý do này. Tuy nhiên, khi các lô hàng thử nghiệm ban đầu thành công, các hợp đồng lớn hơn sẽ được ký kết và giá xuất khẩu sang Úc cũng tốt hơn một số thị trường lớn khác. Ngoài ra, khi đã tin tưởng, các nhà nhập khẩu Úc sẽ làm ăn lâu dài, ít khi thay đổi bạn hàng.

Giày dép

Nhu cầu tiêu dùng giày dép của Úc tương đối lớn, trong đó nguồn hàng nhập khẩu đáp ứng được khoảng 90%. Như vậy nguồn hàng chủ yếu của giày dép là từ nhập khẩu. Phần lớn các mặt hàng giày dép mà Úc có nhu cầu nhập khẩu lớn thì đều thuộc các mặt hàng mà doanh nghiệp nước ta có thế mạnh.

Để tăng kim ngạch vào thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần khảo sát thị trường để đánh giá nhu cầu thị hiếu mẫu mã. Công tác quảng bá thương hiệu giày dép của Việt Nam cũng cần được triển khai tại thị trường Úc, đặc biệt tại các hội chợ, triển lãm chuyên ngành.

Gỗ & Sản phẩm từ gỗ

Kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đối với mặt hàng này liên tục tăng nhanh trong vòng 5 năm qua, từ 114 triệu USD năm 2011 lên tới gần 190 triệu USD năm 2017.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, lũy kế 5 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,37 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Úc hiện đang là 1 trong 10 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hàng đầu của Việt Nam. 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu gỗ sang Úc đạt trên 66,7 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Úc trong 3 tháng đầu năm 2018 đạt 362,8 triệu USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Úc nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ một số thị trường chính như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia.

Nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ tại Úc tăng, cùng với vị trí địa lý thuận lợi và ưu đãi lớn từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Úc-New Zealand (ANZFTA) mang lại, là cơ hội lớn để doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Úc trong thời gian tới.

Ngành chế biến và sản xuất gỗ của Việt Nam có thuận lợi là nhân công rẻ nhưng việc sử dụng công nghệ chưa cao nên các sản phẩm còn mang tính giản đơn, chưa tinh. Ngoài ra, doanh nghiệp còn thiếu thông tin về thị trường. Các nước phát triển ngày càng thắt chặc các qui định liên quan đến tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu, quản lý và sử dụng lao động… do vậy, doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro nếu không nắm được thông tin thị trường xuất khẩu.

Để đẩy mạnh nhập khẩu vào thị trường Úc thì bên cạnh việc hiểu biết điều kiện nhập khẩu đồ gỗ nói chung thì doanh nghiệp cần chuẩn bị chứng từ có thể truy xuất nguồn gốc gỗ nguyên liệu được sử dụng là nguồn hợp pháp cụ thể là phải mua nguyên liệu từ rừng có chứng chỉ CW/FM hoặc mua từ người bán hay nhà cung cấp đã được cấp chứng chỉ COC/CW, khi đó hóa đơn bán hàng phải có số của chứng chỉ FSC CW.

Ngoài ra, chúng ta cần có chiến lược trong việc lựa chọn doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào ngành chế biến gỗ nhằm trao đổi, chuyển giao công nghệ và trình độ quản lý để có thể đáp ứng được các sản phẩm chất lượng cao của thị trường, từ đó tăng thị phần và kim ngạch xuất khẩu.

Lưu ý khi tiếp cận thị trường

Các quy định về xuất nhập khẩu

Một số quy định chung về nhập khẩu có thể tham khảo trên trang web của Bộ Nội vụ Úc theo địa chỉ: https://www.homeaffairs.gov.au/Busi/cargo-support-trade-and-goods/importing-goods

Các quy định về nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm có thể tham khảo trên trang web của Bộ Nông nghiệp Úc theo địa chỉ: http://www.agriculture.gov.au/import/before/how-to-import

Chính sách thuế và thuế suất

Các mặt hàng, trừ các sản phẩm có chứa cồn và thuốc lá, có giá trị không quá 1.000 AUD sẽ không phải nộp thuế nhập khẩu.

Hàng hóa nhập khẩu trị giá quá 1.000 AUD sẽ phải nộp thuế nhập khẩu và 10% thuế hàng hóa và dịch vụ (GST). Thuế suất tùy thuộc vào bản chất của hàng hóa. Hàng hóa có thể phải chịu thuế bù trừ đánh trên mặt hàng rượu (Wine Equalisation Tax -WET) hoặc Thuế ô tô xa xỉ (Luxury Car Tax – LCT) và các loại thuế và phí khác theo quy định của pháp luật Úc.

Khi làm thủ tục áp thuế nhập khẩu và thuế GST, thuế suất được xác định dựa trên Biểu thuế hàng hóa (Luật Thuế hải quan 1995). Thuế nhập khẩu, nếu có, được tính dựa trên trị giá hải quan của hàng hóa. Cơ quan Hải quan và Biên phòng Úc có thể yêu cầu xuất trình hóa đơn để có căn cứ xác định trị giá hải quan. Vì vậy, cần lưu giữ tất cả các giấy tờ trong thời gian tối thiểu là 5 năm theo đúng quy định của Luật Hải quan 1901.

Một số loại thuế, phí doanh nghiệp cần chú ý:

Quy định về bao bì, nhãn mác

Khi nhập khẩu, hàng hóa cần dán nhãn theo một cách nhất định. Ngoài các quy định ghi nhãn chung của Đạo luật Cạnh tranh và Người tiêu dùng năm 2010. Có hai yêu cầu cụ thể đối với hàng nhập khẩu cần chú ý:

Mô tả thương mại: Đạo luật Thương mại 1905 quy định rằng một số mặt hàng không thể được nhập khẩu trừ khi chúng được dán nhãn chính xác với mô tả thương mại được yêu cầu (mô tả đúng về hàng hoá bằng tiếng Anh). Để biết liệu hàng hóa bạn đang nhập cần có mô tả thương mại và hướng dẫn xung quanh họ, hãy xem thông tin của Bộ Nhập cư và Bảo vệ Biên giới về nhãn hiệu thương mại đối với hàng nhập khẩu. Đạo luật Thương mại 1905 và Các quy định về thương mại 2016 quy định: Loại hàng hoặc nhóm hàng phải có nhãn hàng khi nhập khẩu vào Úc; Nội dung thể hiện trên nhãn hàng; và Vị trí của nhãn hàng.

Nhãn xuất xứ: Đạo luật Cạnh tranh và Người tiêu dùng năm 2010 cấm việc đưa ra các tuyên bố sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về nơi xuất xứ của hàng hoá. Trang gốc của Ủy ban Cạnh tranh và Cạnh tranh Úc (ACCC) qui định cách sử dụng nhãn hiệu nước xuất xứ và các quy định về biểu tượng “Australian Made”. Thông tin chi tiết xem tại địa chỉ: https://www.business.gov.au/info/run/import-and-export/labelling-requirements-for-imported-goods

Quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch

Thực phẩm khi nhập khẩu vào Úc phải đáp ứng được các yêu cầu về an toàn sinh học và an toàn thực phẩm. Tất cả các loại thực vật và sản phẩm từ thực vật, bao gồm cả thực phẩm khi nhập khẩu vào Úc phải tuân thủ các qui định an toàn sinh học của Úc trong Đạo luật An toàn sinh học 2015.

Các quy định chi tiết của Đạo Luật an toàn sinh học năm 2015 xem tại https://www.legislation.gov.au/Details/C2015A00061

Hệ thống các điều kiện nhập khẩu an toàn sinh học – BICON (Biosecurity Import Conditions) là một hệ thống cơ sở dữ liệu được Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc xây dựng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng tra cứu các điều kiện nhập khẩu đối với các sản phẩm động, thực vật, khoáng chất và sinh học.

Qui định nhập khẩu đối với 20.000 mặt hang, xjn xem tại đây:

https://bicon.agriculture.gov.au/BiconWeb4.0

Một khi tất cả các yêu cầu về an toàn sinh học đã được giải quyết, thực phẩm nhập khẩu cũng phải tuân thủ các qui định liên quan đến thực phẩm nhập khẩu của Úc, được qui định trong Luật Kiểm soát Thực phẩm Nhập khẩu năm 1992 (Imported Food Control) và Bộ Luật Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc và New Zealand (Australian and New Zealand Food Standard Code).

Các quy định chi tiết của Đạo Luật Kiểm soát Thực phẩm Nhập khẩu năm 1992 xem tại : https://www.legislation.gov.au/Details/C2016C01051

Các quy định chi tiết Bộ Luật Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc và New Zealand xem tại: http://www.foodstandards.gov.au/code/Pages/default.aspx

Quyền sở hữu trí tuệ

Bản quyền

Bản quyền bảo vệ tất cả các tác phẩm văn học, sân khấu, âm nhạc và nghệ thuật cũng như bản ghi âm, bộ phim và chương trình phát sóng đầu tiên được xuất bản tại Úc, hoặc bởi một người Úc. Bản quyền được quy định bởi Luật Bản quyền năm 1968. Không có quá trình đăng ký cần thiết để có được bảo vệ bản quyền, mà đáp ứng các yêu cầu theo Luật Bản quyền, sẽ tồn tại tự động.

Tác phẩm văn học, sân khấu, âm nhạc và nghệ thuật văn chương được bảo vệ theo Luật Bản quyền trong suốt thời gian của cuộc đời tác giả cộng thêm 70 năm. Vi phạm xảy ra khi một cá nhân thực hiện hoặc cho phép thực hiện bất cứ hành vi nào được mô tả là “độc quyền”. Bên vi phạm có thể bị áp dụng lệnh cấm, cưỡng chế họ theo một hành động cụ thể, hoặc ra lệnh phải bồi thường cho bên bị hại. Thông tin chi tiết xem tại: https://www.legislation.gov.au/Details/C2017C00180

Bằng sáng chế

Bằng sáng chế đăng ký tại Úc được bảo hộ theo Luật Bằng sáng chế năm 1990. Một bằng sáng chế là một độc quyền tạm thời cấp cho một người được cấp bằng sáng chế trên một thiết bị, nội dung, phương pháp, hoặc quy trình được coi là mới và sáng tạo. Có hai loại bằng sáng chế tại Úc:

  • Bằng sáng chế tiêu chuẩn: người sở hữu bằng sáng chế tiêu chuẩn được độc quyền khai thác bằng sáng chế cho một khoảng thời gian 20 năm; và
  • Bằng sáng chế đổi mới: Được bảo vệ tương đối nhanh, không tốn kém, trong đó cấp cho người sở hữu bằng sáng chế được độc quyền khai thác bằng sáng chế trong khoảng thời gian 8 năm.

Sáng tạo nghệ thuật, các mô hình toán học, đề án, kế hoạch hoặc các quá trình thuần túy tinh thần khác không thể được cấp bằng sáng chế. Thông tin chi tiết xem tại: https://www.legislation.gov.au/Details/C2017C00045

Thiết kế

Thiết kế được quy định bởi các Luật Thiết kế 2003 (Úc) và liên quan đến hình dạng, cấu hình, mô hình hoặc đồ trang trí mà, khi áp dụng cho một sản phẩm, tạo cho sản phẩm một vẻ độc đáo và khác biệt. Việc đăng ký bảo vệ các thiết kế trong thời gian 5 năm, tuy nhiên nó có thể tiếp tục đăng ký bổ sung thêm 5 năm. Người sở hữu đăng ký có quyền:

  • Độc quyền sử dụng thiết kế;
  • Độc quyền cho phép người khác sử dụng thiết kế;
  • Độc quyền để ngăn chặn người khác sử dụng thiết kế;
  • Bảo vệ chỉ áp dụng cho sự bề ngoài của sản phẩm và không áp dụng cho cách thức hoạt động.

Thông tin chi tiết xem tại: https://www.legislation.gov.au/Details/C2017C00044

Thương hiệu

Một thương hiệu có thể là một từ, cụm từ, chữ, số, âm thanh, mùi vị, hình dáng, biểu tượng, hình ảnh, khía cạnh của bao bì hoặc một mà số và được sử dụng để phân biệt hàng hoá và dịch vụ. Đăng ký thương hiệu là không bắt buộc, như có bảo vệ chống xuyên tạc theo pháp luật chung và hoạt động thương mại hoặc pháp lệnh thương mại công bằng.

Một thương hiệu đã đăng ký có quyền sử dụng hợp pháp, giấy phép hoặc bán hàng hoá, dịch vụ đã được đăng ký tại Úc và được bảo vệ theo Luật thương hiệu 1995 (Úc). Thương hiệu đã đăng ký có thể được dùng để chống lại các đối thủ cạnh tranh những người sử dụng thương hiệu tương tự, tương tự đáng kể hoặc giả giống nhau đối với hàng hóa và dịch vụ tương tự nếu có một khả năng giả mạo hoặc gây nhầm lẫn phát sinh.

Úc tham gia Nghị định thư Madrid (Nghị định thư) liên quan đến đăng ký quốc tế về thương hiệu vào ngày 11 Tháng Bảy 2001. Nghị định thư cung cấp cho công dân Úc một cơ chế hiệu quả trong việc sự dụng và thu phí một cách dễ dàng để bảo vệ thương hiệu ở nước ngoài và cho thấy rất nhiều lợi thế cho các ứng viên tìm kiếm sự bảo vệ trong bất kỳ quá trình nào của việc ký kết hợp đồng.

Nghị định thư yêu cầu một đơn xin duy nhất, bằng một ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Pháp), nộp thông qua các Phòng Thương hiệu của nước xuất xứ và cung cấp sự bảo vệ trong bất kỳ nước thành viên nào của Nghị định thư.

Thông tin chi tiết xem tại: https://www.legislation.gov.au/Details/C2017C00046

Tập quán kinh doanh

Trong bảng xếp hạng Chỉ số thuận lợi kinh doanh (World Bank’s Ease of Doing Business) năm 2017, Úc đứng vị trí thứ 15 trong số 190 quốc gia tham gia khảo sát. Úc sở hữu một nền kinh tế thị trường chủ yếu tập trung vào quốc tế hóa, đứng thứ 91 trong bảng xếp hạng Thương mại vượt biên giới và thứ 63 trong bảng xếp hạng Bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số. Với những ưu điểm vượt trội đó, không có gì ngạc nhiên khi Úc trở thành mảnh đất thu hút vô số người định cư và doanh nhân nước ngoài. Do vậy, để hiểu thêm về ăn hóa kinh doanh tại Úc có thể tham khảo trên trang web của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Úc theo địa chỉ: https://www.austrade.gov.au/Local-Sites/Vietnam/Buy-from-Australia/australian-business-culture

Đầu mối liên hệ hỗ trợ xử lý các vướng mắc thương mại

Tại Việt Nam

Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi, Bộ Công Thương
Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (844) 22205518

Đại sứ quán Australia Việt Nam
Địa chỉ: Số 8 Phố Đào Tấn, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: +84-4 3774 0100
Fax: +84-4 3774 0111

Tổng Lãnh sự quán Úc tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Địa chỉ: Lầu 20, Tòa nhà Vincom, 47 Lý Tự Trọng, Q 1, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: +84 28 3521 8100
Fax: +84 28 3521 8101

Tại Úc

Thương vụ Việt Nam tại Úc (Kiêm nhiệm Va-nu-a-tu, Quần đảo Mác-san, Mi-crô-nê-xi-a, Quần đảo Xô-lô-mông)
Địa chỉ: 9 Poate Rd, Centennial Park, NSW 2021, Australia
Điện thoại: (61) 2 9356 4869
Email: au@moit.gov.vn/vntrade@bigpond.net.au
Website: http://vietnamtradeoffice.net/
Facebook: https://www.facebook.com/Vietnamtradeoffice/

Đại sứ quán Việt Nam tại Úc
Địa chỉ: 6 Timbarra Crescent, O’Malley, ACT, 2606, Australia
Điện thoại: +612 6286 6059
Fax: +612 6286 4534
Email: vembassy@iinet.net.au

Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney, Úc
Địa chỉ: Suite 205, level 2, Edgecliff Centre 203 – 233 New South Head Road, Edgecliff, NSW 2027
Điện thoại: (612) 9327 2539
Fax: (612) 9328 1653
Email: vnconsul@ihug.com.au

Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Perth, Úc
Level 8, 16 St Georges Terrace, Perth, WA 6000
PO box 3122, East Perth, WA 6892
Điện thoại: +61 892211158
Fax: +61 892256881
Email: vnconsulate.perth@gmail.com

Lưu ý

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh tại thị trường Úc, Thương vụ Việt Nam tại Úc đã xuất bản một loạt các ấn phẩm bằng tiếng Việt, cung cấp thông tin cơ bản về thị trường. Ngoài ra, trang website của Thương vụ cũng là địa chỉ cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường Úc.

Các ấn phẩm bao gồm:

1. Hướng dẫn xuất khẩu vào thị trường Úc
http://vietnamtradeoffice.net/wp-content/uploads/books/ebook/content.html

2. Hỏi đáp về các quy định  nhập khẩu vào thị trường Úc
http://vietnamtradeoffice.net/wp-content/uploads/books/ebook2/content.html

3.Thị trường thuỷ sản Úc và các giải pháp xúc tiến xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam vào thị trường này
http://vietnamtradeoffice.net/wp-content/uploads/books/Thuysan/seafood.html

4. Hệ thống phân phối của Úc và các giải pháp đưa hàng Việt Nam vào hệ thống này
http://vietnamtradeoffice.net/wp-content/uploads/books/Phanphoi/phanphoi.html

5. Thương mại của các bang và vùng lãnh thổ Úc
http://vietnamtradeoffice.net/wp-content/uploads/books/ThuongMaiBang/thuong-mai-bang.html

6. Cơ cấu thương mại hàng hoá và dịch vụ của Úc
http://vietnamtradeoffice.net/wp-content/uploads/books/CoCauThuongMai/co-cau-thuong-mai.html

7. Một số quy định đối với hàng hoá nhập khẩu vào Úc
http://vietnamtradeoffice.net/wp-content/uploads/books/DieuKienNhapKhau/DieuKienNhapKhau.html

8. Tận dụng ưu đãi trong Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Úc-New Zealand để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam
https://vietnamtradeoffice.net/tan-dung-uu-dai-trong-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-asean-uc-niu-di-lan-de-day-manh-xuat-khau-hang-hoa-cua-viet-nam